Khác với sự khó khăn, thiếu thốn trong nhiều năm trước, nay cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Hạnh (60 tuổi, ở thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) đã ổn định, khấm khá hơn rất nhiều. Dự tính trong năm 2024 này, thu nhập của gia đình từ mô hình chăn nuôi bò, gà, vườn cây ăn quả, chè xanh, cùng 6 sào ruộng ước đạt khoảng 75 triệu đồng. Để có sự đổi thay trong cuộc sống, ngoài nỗ lực của chị Hạnh là sự tiếp sức của các cấp hội phụ nữ, thông qua việc trao tặng các mô hình sinh kế.
Chị Hạnh kể: "Năm 2016, chồng tôi không may bị tai biến. Gia đình đã nghèo lại dồn hết sức để cứu chữa cho chồng nên kinh tế trở nên kiệt quệ. Con đông (4 gái, 1 trai), đứa còn nhỏ, đứa không có nghề ổn định. Nhờ sự vận động hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, tôi được trao mô hình sinh kế, vay vốn quỹ tiết kiệm của chị em, từ đó gầy dựng dần dần. Đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định, đạt các tiêu chí thoát nghèo".
Được biết, từ năm 2017 đến nay, thông qua sự vận động của các cấp hội phụ nữ, chị Hạnh nhiều lần được hỗ trợ mô hình sinh kế gà, mỗi đợt từ 40-50 con gà giống để gây vốn.
Đặc biệt, năm 2023, thông qua dự án của Tổ chức Bánh mì cho thế giới, Hội LHPN huyện Kỳ Anh đã trao cho chị con bò giống trị giá 15 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay bò mẹ đã sinh 1 bê con và hiện đang chuẩn bị sinh lứa thứ hai. Vừa qua, từ tiền bán bê con được 9 triệu đồng, chị Hạnh đầu tư mua một máy xay xát cá nhân để phục vụ cho gia đình và chăn nuôi, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định.
Chị Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN Kỳ Phong cho biết: "Cùng với chị Phan Thị Hạnh, thời gian qua, hàng chục mô hình sinh kế do các cấp hội phụ nữ trao tặng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo bền vững. Bên cạnh, nguồn vận động từ hội phụ nữ cấp trên, hiện, 10/10 chi hội phụ nữ của xã đều có quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho các chị em nghèo vay, tạo sinh kế để không ngừng vươn lên".
Theo báo cáo của Hội LHPN huyện Kỳ Anh, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã vận động, hỗ trợ 450 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo tại 20/20 xã trên địa bàn, đạt 80% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, trung bình mỗi mô hình được hỗ trợ từ 2- 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn huyện đã duy trì 386 tổ tiết kiệm phụ nữ, với tổng số tiền huy động đạt 12 tỷ đồng, giúp gần 1.500 lượt hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Cùng với huyện Kỳ Anh, thời gian qua, mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo đã được các cấp hội phụ nữ tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh triển khai sâu rộng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã huy động đạt trên 95 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn như: trao mô hình sinh kế, tặng các suất quà, xây dựng mái ấm tình thương, bếp đun, bóng đèn tiết kiệm, bình lọc nước... Trong đó, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã trao 3.115 mô hình sinh kế trị giá hàng chục tỷ đồng.
Chị Trần Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội LHPN Hương Khê cho biết: "Là địa phương miền núi, đời sống người dân nói chung và các hội viên phụ nữ nói riêng còn nhiều khó khăn, trong đó số lượng hội viên nghèo khá nhiều. Vì vậy, cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, mô hình sinh kế có ý nghĩa rất quan trọng. Trong hơn 3 năm qua, chúng tôi đã vận động hỗ trợ 461 mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ khó khăn với tổng số tiền 376,5 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững".
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và với với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", thời gian tới, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội để trao tặng mô hình sinh kế cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quán triệt đến các đơn vị hội cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình cũng như giám sát, giúp các chị em được hỗ trợ, phát triển mô hình sinh kế một cách hiệu quả.