Đặc biệt, từ khi thực hiện tiếp dân theo hình thức “3 trong 1” - bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND cùng chủ trì một phiên, công tác tiếp dân tiếp tục có nhiều đổi mới; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được tập trung giải quyết.
Những năm qua, nhiều chương trình, dự án trọng điểm trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH tỉnh nhà. Tuy vậy, quá trình triển khai các dự án cũng làm nảy sinh các mâu thuẫn liên quan đến đất đai, tái định cư, chính sách xã hội; cùng đó là tác động của sự cố môi trường biển đã kéo theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, thậm chí nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, TTATXH.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tiến hành tiếp công dân định kỳ tháng 6 theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Vì vậy, việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân và xử lý các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân là rất quan trọng để đảm bảo ổn định tình hình và đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh quan tâm, thực hiện, đặc biệt là sau khi có Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Ngay sau khi có Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh; đôn đốc các huyện, thành, thị ủy tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến cấp xã, phường, thị trấn.
Thông thường, thành phần tham dự các phiên tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản là như nhau. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu công tác tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xử lý các vụ việc theo kết luận tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Sau 5 phiên tiếp dân đầu tiên của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho thấy, đa số khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân chủ yếu là các vụ việc liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai, bồi thường GPMB, tái định cư, chính sách xã hội, bồi thường hỗ trợ sự cố môi trường biển… thuộc trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cấp huyện.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà trình bày dự thảo phương pháp tổ chức tiếp công dân giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh trong cùng một thời gian
Do đó, sau mỗi cuộc tiếp dân, thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều giao cho đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện có liên quan xử lý. Vì vậy, từ khi tiếp dân để nghe các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đến khi xử lý vụ việc mất khá nhiều thời gian của cả cấp ủy, chính quyền và người dân.
Từ thực tiễn đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1130-QĐi/TU, ngày 29/8/2019 về tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trong cùng một phiên (gọi tắt là tiếp dân “3 trong 1”).
Sau hơn 1 năm triển khai tiếp dân “3 trong 1” cho thấy, phương thức này đã phát huy ưu điểm và hiệu quả vượt trội; đảm bảo thông suốt, thống nhất giữa lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các sở, ngành, UBND cấp huyện có liên quan.
Đồng thời việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ việc theo kết luận tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thuận lợi hơn, sát sao và hiệu quả hơn. Nhờ đó, tiến độ giải quyết các vụ việc cũng nhanh hơn, tránh được việc đùn đẩy trách nhiệm, tiết kiệm thời gian của những người tiếp dân và cả chính người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành xử lý các nội dung công dân kiến nghị tại một phiên tiếp dân “3 trong 1”.
Các buổi tiếp dân diễn ra cởi mở, dân chủ, người dân được trình bày hết suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của mình và được các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan lắng nghe, giải đáp. Tính từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức 18 phiên tiếp dân, chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc, trong đó có những vụ việc tồn đọng kéo dài từ 7-10 năm đã được giải quyết dứt điểm, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Từ việc tiếp dân “3 trong 1” và kết quả xử lý công việc đã tạo sự lan tỏa nhanh chóng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Đến nay, 13/13 huyện, thành, thị ủy đều thực hiện việc tiếp dân “3 trong 1”.
Có thể khẳng định, công tác tiếp dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thời gian qua, nhất là thực hiện việc tiếp dân “3 trong 1” đã giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài; hạn chế phát sinh thêm những vụ việc mới, vượt cấp, qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, tạo điều kiện phát triển KT-XH tỉnh nhà bền vững.
Các buổi tiếp dân diễn ra cởi mở, dân chủ, người dân được trình bày hết suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng của mình. Ảnh: Bà Phan Thị Ngoan, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc kiến nghị về việc cấp thẻ BHYT tại phiên tiếp công dân thường kỳ tháng 6 vào sáng 15/6.
Thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và Quy định số 1130-QĐi/TU, ngày 29/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp; tăng cường phối kết hợp trong tham mưu, xử lý, giải quyết giữa các cơ quan chức năng và huyện, thành phố, thị xã để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tập trung kiểm tra, rà soát và tham mưu, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi người đứng đầu cấp ủy trong việc chấp hành quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.