Mô hình học tập trải nghiệm giúp giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn có thêm những giờ học hấp dẫn.
Những ngày qua, mô hình học tập trải nghiệm tại Trường Tiểu học Đỉnh Bàn đã thực sự cuốn hút đông đảo giáo viên, HS. Với 4 chủ đề: quê hương em, tự hào lịch sử, biển đảo Việt Nam và góc trải nghiệm điều muốn nói, những giờ học Lịch sử - Địa lý, giáo dục địa phương trở nên sống động, hấp dẫn, cuốn hút.
Em Nguyễn Văn Nhật Huy - lớp 5A4 chia sẻ: “Em rất thích những giờ học trải nghiệm bởi mỗi hình ảnh trên các chủ đề đều chứa đựng những câu chuyện riêng. Ngoài việc bổ sung kiến thức, chúng em còn được rèn luyện khả năng giao tiếp, khả năng nói trước đám đông thông qua việc thuyết trình, giới thiệu theo các chủ đề. Nhờ thế, em đã trở nên mạnh dạn, tự tin hơn”.
Từ các hoạt động trải nghiệm, học sinh được rèn luyện kỹ năng, phát triển các phẩm chất, năng lực
Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc phát triển năng lực, phẩm chất của người học qua các hoạt động trải nghiệm, năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Đỉnh Bàn đã hiện thực hóa ý tưởng xây dựng khu trải nghiệm ngoài trời. Với sự hỗ trợ của UBND huyện, sự đồng thuận của phụ huynh HS trong việc xã hội hóa, khu trải nghiệm ngoài trời đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 11/2023".
Thầy Hồ Đăng Thiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thông tin: “Việc đưa vào sử dụng khu trải nghiệm giờ học ngoài trời hết sức ý nghĩa, tạo được không gian học tập mở, kích thích sự hứng thú học tập của HS. Qua những trải nghiệm, các em được nói, viết, vẽ, được thuyết trình và chia sẻ những suy nghĩ của mình. Đây cũng là cách để chúng tôi giúp HS rèn luyện và phát huy những năng lực tích cực trong học tập”.
Được biết, Trường Tiểu học Đỉnh Bàn còn dán mã QR tại các hình ảnh minh họa. Giáo viên, phụ huynh HS và khách đến tham quan có thể thông qua việc quét mã QR để cập nhật những kiến thức, hiểu biết sâu sắc hơn về các chủ đề giáo dục nói trên.
Góc học tập trải nghiệm được bố trí linh hoạt trong khuôn viên Trường THCS Phan Huy Chú.
Việc xây dựng mô hình lớp học trải nghiệm ngoài trời đang lan tỏa rộng rãi ở các trường học trên địa bàn Thạch Hà.
Tại Trường THCS Phan Huy Chú, mỗi cảnh quan trong khuôn viên sân trường đã trở thành một góc học tập bổ ích, lý thú, hấp dẫn HS. Từ lịch sử phát triển của quê hương, đất nước đến hình ảnh, con người, phong tục tập quán của địa phương, lịch sử tên trường... đều được thể hiện qua các tấm pano với đầy đủ hình ảnh, thông tin giúp HS dễ dàng tìm hiểu những kiến thức cho các bộ môn, giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Huy Chú cho biết: “Để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các tổ chuyên môn và ban giám hiệu nhà trường đã cùng nhau xây dựng không gian giáo dục lịch sử ngoài lớp học cho HS. Từ các giờ học linh hoạt này, HS ngày càng hứng thú, hiểu sâu, hiểu lâu hơn những kiến thức về bài học. Ngoài các giờ dạy của giáo viên, từ những góc học tập này, HS cũng có thể tự giúp nhau bổ sung kiến thức của bài học”.
Thông qua hình thức thuyết trình, học sinh hiểu sâu, hiểu lâu hơn những kiến thức về lịch sử, con người, phong tục tập quán của địa phương.
Từ sự sáng tạo, liên thông, liên kết và tích hợp kiến thức giữa các môn, đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn Thạch Hà đã có cách làm linh hoạt, phù hợp trong việc xây dựng những mô hình giáo dục mở, tạo sự hứng thú, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Lê Văn Phương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho hay: Mô hình giáo dục trải nghiệm được các trường học trên địa bàn sử dụng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc dạy học tích hợp, HS được trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực phẩm chất. Thời gian tới, Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tập trung nghiên cứu cấu trúc, nội dung, chương trình để xây dựng các mô hình, không gian học tập ngoài trời phù hợp với từng cấp học.
Video mô hình học tập trải nghiệm Trường Tiểu học Đỉnh Bàn.
Đến thời điểm hiện tại, mô hình giáo dục trải nghiệm được các trường học trên địa bàn sử dụng có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc dạy học tích hợp, học sinh được trải nghiệm sáng tạo, phát triển năng lực phẩm chất. Thời gian tới, phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tập trung nghiên cứu cấu trúc, nội dung, chương trình để xây dựng các mô hình, không gian học tập ngoài trời một cách phù hợp với từng cấp học.
Thầy Lê Văn Phương
Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà