Báo cáo doanh số bán hàng quý 1 năm 2018 (tính từ tháng 1/2018 đến hết tháng 3/2018) của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), bao gồm 5 thành viên là Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Suzuki Việt Nam, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018 số lượng xe bán ra của các thành viên VAMM là 803.204 xe, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Mẫu xe ăn khách nhất thị trường Việt Nam Honda Vision.
Nếu làm phép tính ước lượng thì mỗi tháng trong 3 tháng đầu năm 2018 các thành viên của VAMM bán ra khoảng 266,66 nghìn chiếc xe, như vậy bình quân mỗi ngày người Việt sẽ mua khoảng gần 9.000 chiếc xe máy mới. Đây là chưa kể doanh số bán các xe máy nhập khẩu, các hãng xe khác không thuộc VAMM như Kawasaki, Ducati… chẳng hạn.
Con số trên cho thấy, sức tiêu thụ xe máy ở Việt Nam vẫn đang không ngừng tăng trưởng, bất kể khi có đề án cấm xe máy tại một số nơi ở Hà Nội vào năm 2030.
Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu, tại sao lượng tiêu thụ xe máy lại tăng trưởng lớn như vậy? Lý giải điều này, một số nhà phân tích cho rằng ở Việt Nam xe máy vẫn là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất, kinh tế nhất, phù hợp với điều kiện đường xá và túi tiền của đại đa số người dân.
Ngay cả với không ít người khi đã sở hữu xe hơi rồi vẫn giữ lại, thậm chí là mua thêm xe máy để sử dụng. Điều đó cũng do di chuyển xe máy sẽ tỏ ra ưu điểm khi đi ở quãng đường ngắn, hẹp, và tới những nơi mà không có không gian đỗ ôtô thuận tiện.
Xe máy vẫn có lợi thế riêng.
Trong khi đó các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hiện nay cũng chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đi lại đa dạng của người dân, nhiều người vẫn lựa chọn đi xe hôm môtô cho nhanh gọn.
Đấy là khu vực thành thị, còn ở các khu vực nông thôn, miền núi thì rõ ràng xe máy thể hiện rất rõ ưu điểm. Khi giá xe ôtô bán trong nước vẫn còn cao, điều kiện giao thông chưa đồng bộ, chi phí cho vận hành cho xe máy lại thấp hơn nhiều, cho nên xe máy vẫn là lựa chọn của nhiều người.