Trẻ con mong chờ đến tháng Chạp để được ba mẹ mua sắm quần áo, giày dép mới. Tháng Chạp thuở xưa thơ bé, tôi nhớ như in mình nôn nao đến cỡ nào. Mới nghe mẹ nói tháng Chạp là tôi nhảy chân sáo, trong lòng vui như trẩy hội, và ngay lúc đó tôi muốn lan tin tới tất cả bạn bè trong xóm.
Trẻ con mong chờ đến tháng Chạp để được ba mẹ mua sắm quần áo, giày dép mới. Tranh minh họa: internet
Tôi hồn nhiên chạy quanh làng, gọi tên đám bạn và nói kế hoạch năm nay mua áo màu gì, đôi dép sẽ đẹp long lanh ra làm sao khi tôi ướm vào đôi chân của mình. Cả lũ cùng đồng ý, hẹn nhau tới phiên chợ tết đi ngắm cho thỏa thuê.
Tôi mong chờ vì tháng Chạp đến sẽ không thiếu “tiết mục” làm mứt của mẹ. Biết bao nhiêu là loại mứt, tôi không thể nhớ hết. Mứt bí đao thanh mát. Mứt dừa khi ăn ngòn ngọt, bùi bùi, dai dai. Mứt cà rốt hơi nồng hăng. Còn mứt gừng thì ăn cay xé lưỡi. Tôi ngồi bên bếp lửa nhìn những động tác thoăn thoắt của mẹ mà trầm trồ không ngớt. Mẹ làm mứt rất khéo tay.
Thi thoảng tôi được mẹ sai đi lấy củi khô, lấy mẹt để phơi mứt, lấy túi bóng để đóng gói và cuối cùng là được thưởng thức một miếng. Mỗi khi tháng Chạp về, chưa thấy mẹ chuẩn bị sên mứt thì tôi lại nhắc nhớ.
Mỗi khi tháng Chạp về, chưa thấy mẹ chuẩn bị sên mứt thì tôi lại nhắc nhớ. Ảnh: internet
Tôi mong chờ tháng Chạp để được chăm hoa tết với ông. Ông tôi trồng hoa cúc, hoa vạn thọ ở ngoài ruộng và cả trong chậu. Ai đến chơi cũng đều trầm trồ trước vườn hoa tết của ông. Và mỗi khi có người khen, ông lại khen ngợi tôi: “Nhờ thằng cháu nhỏ này chăm cùng, hoa mới được đẹp như thế”.
Lòng tôi vui và tự hào lắm. Vì một phần công nhỏ của tôi góp nên mùa xuân thật đẹp. Tết đến quanh bờ sân gạch đỏ au là ngập tràn màu vàng hoa cúc, hoa vạn thọ. Thi thoảng còn có mấy chú ong bay dập dờn cánh mỏng trong nắng chiều lấp lóa như tạo điểm nhấn cho mấy chậu hoa xinh tươi. Nhìn hoa là đã thấy xuân về…
Tết đến quanh bờ sân gạch đỏ au là ngập tràn màu vàng hoa cúc, hoa vạn thọ. Ảnh: internet
Tôi mong chờ tháng Chạp tới để được đi cắt lá chuối với mẹ. Nhà tôi có vườn chuối trên rẫy. Tháng Chạp về, tôi với mẹ đi cắt lá chuối mang đến chợ bán để người ta về gói bánh tét, bánh chưng. Người dân quê tôi chuộng gói bánh bằng lá chuối vì có hương vị rất thơm, lại có màu xanh của lá quyện sâu vào tận hạt nếp dẻo thơm.
Lá chuối bán được, mẹ trích một phần mua quần áo, giày dép đẹp cho tôi đón năm mới. Nhớ có lần xuống chợ, tháng Chạp mưa phùn rét buốt, lá chuối bán ế ẩm, tôi ngước nhìn mẹ, mẹ cúi nhìn tôi rồi lại nhìn đống lá chuối trước mặt. Cuối buổi phải bán rẻ cho thương lái, hai mẹ con buồn thiu. Tôi níu gấu áo mẹ, nói rằng tết không cần quần áo, giày dép đẹp. Mắt mẹ ngân ngấn nước.
Tháng Chạp, trong những phiên chợ tết, người ta sẽ cùng nhau xin chữ... Ảnh: internet
Tháng Chạp tới, mấy anh em tôi phân chia nhau dọn dẹp nhà cửa. Anh cả pha nước vôi quét lại tường nhà, chị hai thì cuốc đám cỏ dại trước ngõ, vun lá khô đốt sạch sẽ. Tôi nhỏ tuổi hơn thì được phân công kỳ cọ ấm chén, bát đũa. Tháng Chạp cứ thế rộn ràng, cười cười nói nói, mồ hôi nhễ nhại, mấy anh em hạnh phúc trong lao động.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã đi qua ba mươi mấy cái tháng Chạp. Nhưng lạ thay, lúc nào tôi cũng vẫn mong chờ. Mong chờ để được trở về bên gian nhà ngói thân yêu, con ngõ nhỏ ngày xưa mọc đầy cỏ dại, những chậu cúc, vạn thọ ông trồng vàng ươm trước nhà rực rỡ. Mong chờ để về với yêu thương, gia đình sum họp.
Tôi nhận ra, đi khắp năm châu bốn bể vẫn không đâu bình yên bằng nhà mình. Và hơn hết mong tháng Chạp này, dịch bệnh sẽ qua đi, sự rộn ràng về lại trên môi mỗi người, phiên chợ tết nhộn nhịp người qua lại…
Tháng Chạp ơi, chờ tôi nhé!