Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. Ảnh: VGP |
Trong nhiều nhiệm kỳ Chính phủ đã qua, việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua các chỉ thị, quyết định, kết luận, mệnh lệnh tại chỗ vẫn luôn bị bỏ ngỏ. Họp rất nhiều, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng kết luận rất nhiều, ra chỉ thị cũng nhiều, quyết định cá biệt được ban hành không ít, toàn những vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội, nhưng sau đó, những nội dung chỉ đạo này có việc được thi hành, có việc không, tùy theo thái độ tiếp ứng của các bộ, ngành và UBND các cấp.
Theo thông lệ của bộ máy hành chính, khi tiếp nhận các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan cũng có công văn hoặc chỉ thị cho cấp dưới, thế là coi như xong việc. Đương nhiên, các chỉ thị, quyết định này cũng nhanh chóng bị quên lãng, nếu có được thực thi cũng chỉ là đối phó, hình thức.
Nhưng được triển khai như vậy là vẫn còn khả dĩ vì “số phận” các kết luận của Thủ tướng tại các cuộc họp phần lớn không được như vậy. Các chỉ đạo này thường được “bơi” trên các phương tiện truyền thông ngay sau cuộc họp, rồi sau đó nhiều việc nhanh chóng "tắt lịm".
Thực tiễn cho thấy, nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu được thực hiện nghiêm thì xã hội sẽ không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng mà chúng ta đã và đang chứng kiến.
Cũng có thực tế là trong nhiều năm qua, kỷ cương hành chính bị buông lỏng, có tình trạng “trên bảo dưới không nghe” đến nỗi thành... bình thường; ý chí xây dựng, phát triển đất nước của người đứng đầu Chính phủ không được cả bộ máy hành chính thực thi.
Xét cho cùng, tình trạng kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay còn có biểu hiện ít tích cực, là hệ quả tất yếu của "vấn nạn" nêu trên.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do Thủ tướng chưa có công cụ hỗ trợ hữu hiệu để giúp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chỉ đạo của mình. Trách nhiệm này, lâu nay, mặc nhiên được giao cho các bộ, ngành. Tức là Thủ tướng chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó tổ chức thực hiện. Nhưng chất lượng thực sự của việc thực hiện đó như thế nào, có đúng như chỉ đạo của Thủ tướng không, đặc biệt đây là những chỉ đạo công việc rất cụ thể như đóng cửa rừng Tây Nguyên, khắc phục sự cố môi trường, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo... thì rõ ràng cơ chế này dường như ít hiệu quả. Điều đó làm cho Thủ tướng sẽ không có thông tin cập nhật thường xuyên về quá trình triển khai các chỉ đạo của mình.
Thời Chính phủ nhiệm kỳ 1991-1996 do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu, tại Văn phòng Chính phủ có một vụ mang tên "Vụ Kiểm tra việc thi hành các quyết định" có chức năng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng. Nhưng do hoàn cảnh khi đó, với biên chế chỉ có 4 hoặc 5 cán bộ, chức năng, nhiệm vụ lại không được quy định rõ, nên hiệu quả không cao. Sau đó, Vụ này cũng không tồn tại trong cơ cấu Văn phòng Chính phủ nữa.
Trong hoàn cảnh mới của đất nước hiện nay, việc thiết lập một cơ chế tổ chức để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực thi các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc siết lại kỷ cương hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Tổ chức đó không nhất thiết phải là một cục, một vụ, một đơn vị hành chính vì sẽ phải tăng đầu mối hành chính với nhiều vấn đề phát sinh mà nên được giao trách nhiệm cho một đơn vị sẵn có, với lực lượng tinh nhuệ, trong số các vụ, cục của Văn phòng Chính phủ. Đương nhiên, bộ phận này không thể tách rời sự phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục khác trong Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp quản lý, chỉ đạo bộ phận này.
Chỉ cần như vậy, Thủ tướng sẽ có một công cụ khả dĩ để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cung cấp thông tin tổng hợp thường xuyên về tình hình thực thi các quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh hành chính của mình.