Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nên Đảng nắm quyền phân công cán bộ giữ các chức vụ trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Thực tiễn cho thấy sự thành bại của cách mạng, sự phát triển đi lên hay tụt hậu của phong trào, uy tín của Đảng đối với đông đảo quần chúng nhân dân đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ của Đảng.
Như vậy, rõ ràng quyền lực và uy tín của Đảng phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ nên làm sao để kiểm soát được quyền lực và chống bệnh chạy chức, chạy quyền là điều Đảng luôn đặt ra trong nội dung xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Điều mới trong Quy định 205 là ở chỗ chỉ rõ ra và cần có cơ chế để kiểm soát trong quá trình thực hiện.
Quy định toát lên tinh thần quyết tâm chiến lược và tính chiến đấu của Đảng ta trước một thực tế đang diễn ra phổ biến đến nỗi ai cũng biết, đâu cũng có, đã trở thành “sâu mọt” trong bộ máy của Đảng của Nhà nước và hệ thống chính trị mà cần phải loại trừ. Đây cũng là một trong những nội dụng quan trọng của việc chống “tham nhũng” trong công tác cán bộ của Đảng.
Quy định vừa ban hành đã có sức lan toả nhanh, được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng, đồng tình và sẵn sàng hành động để thực hiện theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, bởi nội hàm của Quy định đã biểu đạt đúng lòng dân, đúng mong muốn của cán bộ, đảng viên, đáp ứng nguyện vọng của mọi người chân chính trong xã hội.
Quy định nêu rõ: “Kiểm soát quyền lực từ cấp uỷ, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cho đến cán bộ tham mưu và tới tận nhân sự”. Như vậy là người thuộc chức trách, ai ở vị trí nào thì trách nhiệm được minh định rõ ràng tới đó.
Khoản 3, điều 11 của quy định chỉ rõ những hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền, đó là: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực đến người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, giới thiệu theo ý mình”. Như vậy, nếu ngăn chặn được những hành vi này chắc chắn sẽ giảm thiểu được sự thiếu minh bạch, sự lợi dụng chức quyền để “tham nhũng” trong công tác cán bộ.
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Với nội dung công khai, rành rọt, cặn kẽ của quy định, một lần nữa thấy rõ tính thực tiễn và quyết tâm của Trung ương Đảng làm trong sạch việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ, tạo thêm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Vì thế, lần này, trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp cần phải tổ chức quán triệt và thực thi Quy định 205 một cách nghiêm túc, bài bản để thực sự có hiệu lực và hiệu quả. Quy định cũng đã nêu rõ những giải pháp thực hiện, song trước hết và kịp thời cần thực thi ngay một số giải pháp:
Các cấp uỷ Đảng và bản thân người đang nắm quyền lực về công tác cán bộ phải tự soát xét lại vừa qua trong công tác cán bộ đã thực sự công minh chưa, đã xem xét đánh giá cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn chưa, có những ưu khuyết điểm gì; nhận rõ xem trong đội ngũ cán bộ còn có “sâu mọt” lọt vào không; trong công tác cán bộ còn có phần nào, điểm nào, hiện tượng nào bị lợi dụng cần phải xem xét, theo đó đề ra giải pháp bổ cứu kịp thời để làm tốt hơn.
Cần gắn việc thực hiện Quy định này với Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khoá XI và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Bởi phạm vi điều chỉnh mà Quy định 205 nêu ra bao hàm tất cả những người đứng đầu từ các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương đến các tỉnh, thành, huyện, thị và tận cơ sở.
Trong mọi công việc người đứng đầu phải nêu gương sáng, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chấp hành và lãnh đạo thực hiện. Đặc biệt về mặt quyền lực, trong công tác cán bộ bản thân người đứng đầu lúc này hơn lúc nào và hơn ai hết phải chứng tỏ mình có phải là người công minh, chính trực, thực thi công vụ đúng đắn, sử dụng quyền lực đúng với quy định của Trung ương và pháp luật không; có tư túi, tham nhũng, có đặc quyền, đặc lợi… trong công tác cán bộ không. Nếu làm minh bạch được thế thì sẽ mang đến hiệu ứng vô cùng quan trọng.
Cần phải dựa vào cán bộ, viên chức, dựa vào nhân dân và công luận để phát hiện các kiểu “chạy chức, chạy quyền”, ai chạy, chạy cho ai để có giải pháp kiểm soát đối với các hình thức chạy và thủ đoạn chạy ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đường mà khoản 2, điều 10 của quy định đã chỉ rõ: “Tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động như đi tham quan, vui chơi, giải trí… nhằm mục đích để có được quyền lợi”. Cần tỉnh táo ngăn chặn, xử lý nghiêm và kịp thời các hình thức chạy, các trường hợp chạy trong quá trình triển khai công tác cán bộ.
Cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước, các cơ quan giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có thẩm quyền trong công tác cán bộ ở tất cả các công đoạn, từ khâu quy hoạch đến bầu cử, đến khi ra quyết định. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không đủ tư cách nắm giữ quyền lực, vị trí lãnh đạo ở các cấp do chạy mà có được.
Cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quy định 205 của Bộ Chính trị trong toàn Đảng, toàn dân một cách công khai để mọi người hiểu được nội dung, liên hệ với thực tiễn ở từng nơi, từng lúc trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội các cấp, để quy định nhanh chóng phát huy được sức mạnh và hiệu lực trong cuộc sống, gắn liền với việc chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; để công tác cán bộ của Đảng được kiểm soát chặt chẽ hơn; tệ chạy chức, chạy quyền được đẩy lùi.
Đây là việc rất hệ trọng đối với Đảng ta lúc này nhằm tăng cường sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, cũng như uy tín và niềm tin đối với nhân dân.