Theo nhận định mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), từ nay đến tháng 7/2024, mức độ nắng nóng có thể sẽ gia tăng gay gắt. Cùng với đó, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều hơn
Ngày 15/4, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết từ nay đến khoảng tháng 6/2024, dự báo El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%.
Với xu thế khí tượng trên, ông Lâm nhận định từ nay đến khoảng tháng 7/2024, số lượng bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (trung bình khoảng từ 2-3 cơn/năm).
Về nắng nóng, ông Lâm cho biết tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5-7/2024; riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến nửa đầu tháng Năm.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng Năm, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Từ tháng 6-7/2024, nhiệt độ có khả năng cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
“Với xu thế nhiệt độ trên, dự báo nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ,” ông Lâm lưu ý và cho biết khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ có khả năng kéo dài đến nửa đầu tháng Năm; còn khu vực Trung Bộ, nắng nóng có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4-7/2024.
Đáng chú ý hiện tượng nắng nóng gia tăng (đặc biệt là thời kỳ từ tháng 5-7/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn) sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất.
Tuy vậy trong khoảng thời gian dự báo, theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, trên phạm vi cả nước cũng sẽ tiếp tục có khả năng xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh do giai đoạn chuyển mùa, nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Đề phòng bão diễn biến phức tạp
Trong giai đoạn tiếp theo, từ tháng 8-10/2024, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết dự báo ENSO - hiện tượng chỉ cả El Nino và La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) có khả năng sẽ chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%.
Với xu thế trên, từ tháng Tám đến tháng Mười số lượng bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (số lượng bão hoặc áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông khoảng từ 6-7 cơn; trong đó số lượng bão đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2-3 cơn).
“Thời gian tới, bão hoặc áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông nên cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ,” ông Lâm nhấn mạnh.
Về xu thế nắng nóng, ông Lâm dự báo tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng Tám, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Từ nửa cuối tháng Tám, hiện tượng nắng nóng có xu hướng giảm dần ở Bắc Bộ và từ tháng Chín ở khu vực Trung Bộ.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình trên cả nước từ tháng 8-10/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1,5 độ C. Do đó khô hạn tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có khả năng còn duy trì trong 8/2024.
Tuy vậy, chuyên gia Hoàng Phúc Lâm cũng lưu ý trong thời kỳ dự báo, mưa lớn, lốc, sét và hiện tượng nắng nóng gay gắt có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Về xu thế mưa, trong tháng 8/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ dự báo phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Sang tháng Chín, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 10-30%; từ tháng Mười phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng Tám phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Đà Nẵng cao hơn từ 10-20%. Từ tháng Chín, tổng lượng mưa tại khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế phổ biến cao hơn từ 10-30%; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phổ biến cao hơn từ 5-15% so với trung bình nhiều năm; tháng Mười phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 8-10/2024, phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.