Mùa hè năm nay sẽ nắng nóng dữ dội?

Hiện tượng El Nino tái xuất và chiếm ưu thế từ khoảng tháng 5/2023 dự báo sẽ gây ra tình trạng nắng nóng dữ dội, nguy cơ cao hạn hán, thiếu nước cục bộ.

Nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm 2023, La Nina (giai đoạn nhiệt độ nước biển pha lạnh) duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%. Sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%. Những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.

Dự báo các tháng nửa đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Năm 2023, dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Mùa hè năm nay sẽ nắng nóng dữ dội?

Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 2 đến tháng 4/2023, ENSO còn duy trì trong trạng thái La Nina với xác suất trong khoảng 50%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất khoảng 65-70%. Từ nay đến tháng 4/2023, bão và ATNĐ ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông. Từ tháng 5-7/2023 bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ TBNN và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bộ, Nam Bộ từ khoảng tháng 3; sau đó gia tăng về cường độ và lan sang khu vưc Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4-5/2023. Tháng 6-7/2023 nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Nhiệt độ trung bình tháng 2/2023 ở Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực Trung Bộ thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ C độ, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C. Tháng 3-4/2023 nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C, khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Xu thế khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 5-7/2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục tăng dần và ENSO có khả năng ở trạng thái trung tính với xác suất tăng lên mức từ 70-75%. Từ tháng 5-7/2023, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với TBNN cùng thời kỳ (khoảng 3-4 cơn bão/ATNĐ trên Biển Đông). Trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà có khả năng xấp xỉ so với TBNN từ 10-20%, các hồ chứa trên sông Gâm và sông Chảy cao hơn TBNN từ 10-30%; trên các lưu vực sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến ở thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN.

Trong tháng 6-7/2023, khu vực biển phía Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên độ cao sóng ở khu vực ngoài khơi Đông Nam Bộ có thể đạt 2-4m và tại vùng biển ven bờ Cà Mau Kiên Giang sóng biển cao1-2m (với xác suất trên 70%). Tại ven biển Tây Nam Bộ, khoảng từ cuối tháng 7/2022 cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh (xác xuất 70%).

Cần có các kịch bản chống hạn hán

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, điểm lạ ở các đợt không khí lạnh gần đây là chỉ gây mưa ở phía Đông Bắc và vùng ven biển, ít gây mưa ở phía Tây. Trong khi phía Tây là vùng thượng nguồn bổ sung lượng nước lớn cho các hồ thủy điện, trong đó có hai hồ thủy điện lớn là Sơn La và Hòa Bình. Lượng mưa phía Tây ít đi đồng nghĩa với việc nguồn nước bổ sung cho hồ chứa ít đi.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ cũng vậy, mưa chủ yếu ở vùng ven biển nên các hồ chứa ít được bổ sung nước, bao gồm cả hồ thủy điện và hồ thủy lợi. Nếu mực nước các hồ tụt thì sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện và giảm sản lượng điện. Nguy cơ thiếu điện cục bộ ở phía Bắc trong mùa hè tới đây khá cao do sản lượng điện giảm và nhu cầu về điện gia tăng do nắng nóng.

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, dữ liệu cập nhật cho thấy El-Nino sẽ chiếm ưu thế từ tháng 5 năm nay. Khả năng chúng ta phải đối diện với hạn hán và nắng nóng. La-Nina đã chấm dứt. Hiện tại ENSO (giai đoạn trung tính) đang chiếm ưu thế nhưng nó chỉ kéo dài trong khoảng từ nay đến giữa tháng 5. Từ cuối tháng 5 trở đi khả năng cao El-Nino sẽ chiếm ưu thế dẫn đến thời tiết nắng nóng và khô hạn, thậm chí El-Nino có thể kéo dài qua năm 2024.

Ảnh hưởng của El-Nino khiến các con sông cạn dần nước, nước ngầm bị tụt, nắng nóng và gió khô nóng chiếm ưu thế. Nếu La-Nina ảnh hưởng chỉ trong thời gian có mưa lụt thì El-Nino thường ảnh hưởng kéo dài và âm ỉ. Xâm nhập mặn ở Mekong delta và các thành phố ven biển sẽ trở nên trầm trọng. Tây Nguyên cũng sẽ khô hạn và kéo theo nhiều hệ lụy. Thiếu nước cho sinh hoạt, thiếu nước cho thủy điện và cho nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng.

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyên, ngay từ bây giờ, người dân cần có các kế hoạch tiết kiệm và bảo tồn nguồn nước, chủ động về thời vụ và có các kế hoạch chống hạn từ giờ.

Theo SKĐS

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.