Mùa nhổ lạc thuê

(Baohatinh.vn) - Mùa thu hoạch, trên những cánh đồng của “vựa lạc” Thạch Châu, Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh) nhộn nhịp “đội quân” nhổ lạc thuê. Họ là những người dân các xã vùng lân cận tranh thủ ngày mùa kiếm thêm thu nhập.

Cũng làm nông nhưng chủ yếu trồng khoai, trồng lúa chứ không trồng lạc nên cứ vào mùa thu hoạch lạc, vợ chồng dì Hoa (thôn Tân Trung, xã Tân Lộc, Lộc Hà) lại cùng những người trong làng kéo nhau sang các xã Thạch Châu, Thạch Bằng để nhổ lạc thuê.

Mùa nhổ lạc thuê

Vợ chồng dì Hoa (thôn Tân Trung - Tân Lộc) có mặt trên đồng từ sáng sớm để bắt đầu công việc của mình

Dì cho biết đã làm “nghề” này nhiều năm nay rồi, cứ đến mùa lạc là hai vợ chồng lại giao việc đồng áng ở nhà cho các con để đi làm thuê. “Mỗi vụ cũng chỉ kéo dài tầm 20 ngày đến một tháng thôi. Các chủ ruộng chủ yếu thuê chúng tôi thu hoạch, còn các khâu sau thu hoạch thì thường người nhà họ tự làm” – dì Hoa cho biết.

Cũng như những công việc đồng áng khác, nghề nhổ lạc thuê cũng lắm vất vả, đổ mồ hôi. 4h sáng, vợ chồng dì Hoa và những người hàng xóm đã lục tục dậy lo cơm nước để lên đường. Áo bảo hộ lao động, khăn mũ bịt kín mặt, găng tay và không thể thiếu chai nước chè xanh mang theo, những người nhổ lạc thuê í ới gọi nhau ra đồng.

Mùa nhổ lạc thuê

Với mỗi sào lạc, người làm công được chủ ruộng khoán khoảng 600 nghìn đồng

Trời chưa tỏ mặt người, người nhổ lạc thuê đã có mặt đông đủ trên những cánh đồng lạc bạt ngàn. Họ bắt đầu công việc sớm như vậy để tránh cái nắng như thiêu đốt của miền Trung những ngày đầu hạ.

Vợ chồng dì Hoa và bà Giáp - người cùng thôn chung nhau nhận một sào lạc với giá 600 nghìn đồng. “Dù biết thêm người thì tiền công chia ra chẳng còn bao nhưng vẫn phải gọi bà Giáp làm cùng để cho nhanh còn về. 9h sáng là đã như thiêu như đốt rồi, không trụ lại được với trời mô!” – chú Cảnh – chồng dì Hoa bộc bạch.

Dù còn sớm nhưng ba người họ đã “mồ hôi mẹ, mồ hôi con” đầm đìa cả chiếc áo bảo hộ và khăn che mặt. Đất tơi xốp, lạc dễ nhổ nhưng cái nắng trên đồng ruộng thật biết cách lấy đi sức lực của người nông dân.

Mùa nhổ lạc thuê

Ngoài công việc nhổ lạc thuê, chị Na (thôn Hoa Thanh - xã Thạch Kim) còn tranh thủ "mót" lạc để tăng thu nhập

Gần trưa, nhóm dì Hoa hoàn thành sào lạo của mình và nhận tiền công từ chủ ruộng. Mồ hôi nhễ nhại, dì Hoa cho biết: “Thế là nhanh lắm rồi đấy! Chúng tôi quen việc, khỏe sức với cả cố hoàn thành để chiều còn nhận làm cho nhà khác.”

Không có nhiều kinh nghiệm làm nông như vợ chồng dì Hoa, bà Giáp nên chị Na (thôn Hoa Thanh – xã Thạch Kim) có phần “kén việc” hơn. Chị Na ngày thường quen ở nhà nội trợ nhưng mùa lạc cũng theo chị em trong thôn đi kiếm việc. Vì không thạo việc như những người khác nên chị làm phụ và thu nhập cũng kém hơn.

Chị Na cho biết: “Mình không khỏe như họ, lại thiếu kinh nghiệm nên nhổ lâu hơn, năng suất cũng kém đi. Có hôm tôi lấy tiền mặt, cũng có hôm họ trả 6 - 7 kg lạc/công.”

Ngoài nhổ thuê cho chủ ruộng, chị Na còn cần mẫn “mót” lạc trên những thửa ruộng đã thu hoạch. Mỗi ngày, chị cũng kiếm thêm được khoảng dăm kg lạc tươi từ công việc “thu hoạch lại” này. “Tôi thường mang lạc về bán lại cho những quán nhậu ở bãi biển Thạch Bằng hoặc phơi khô để ép lấy dầu. Tính cả công, cả lạc “mót” thì ngày cũng được vài trăm nghìn, phụ thêm vào những khoản chi tiêu của gia đình” – chị Na chia sẻ.

Mùa nhổ lạc thuê

Dù chỉ là công việc thời vụ nhưng nhổ lạc thuê cũng góp phần giúp người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống

“Đội quân” nhổ lạc thuê tuy đông nhưng theo một số chủ ruộng ở đây thì những ngày cao điểm này vẫn “kiếm không ra người để thuê”. Ông Phan Công Sửu (thôn Kim Ngọc – Thạch Châu) cho biết: “Nhà tôi còn vài sào nữa chưa thu hoạch nhưng chưa thuê được người. Nhiều công đoạn, mất thời gian mà người làm thì không có, muốn thuê cũng phải chờ họ làm xong của những nhà đã đặt lịch trước rồi mình mới thuê được”.

Thu hoạch lạc thuê dù chỉ là công việc mùa vụ nhưng cũng đã góp phần mang lại nguồn thu nhập để người nông dân trang trải cuộc sống.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.