Cái gợi nhắc của Mr. Đàm làm tôi quan sát nhiều hơn trên đường di chuyển. Những Sông Hàn Hotel, Khách sạn Mường Thanh Đà Nẵng, Vincom Plaza, Cà phê Memory…, đâu đâu cũng được trang trí những cây thông lớn gắn đèn nháy. Tôi biết, Đà Nẵng cũng như Hà Tĩnh quê tôi, Noel đã về trên mọi nẻo.
Không gian chung
Như một sự bắt gặp chung, nhiều năm qua, Noel đã chuyển hóa từ nghi lễ của tín hữu Ki-tô thành không gian chung của cộng đồng. Cách đây gần cả tháng trời, tại ngã ba đường Nam Cầu Cày giao đường 1A, những người theo đạo ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) đã cùng nhau mang bao bì, tre gỗ, sơn, tượng Đức Mẹ để làm hang đá. Tôi hình dung một biểu tượng hang đá thật rộng và cao, thu hút mọi ánh nhìn. Khu vực ấy, đêm 24/12 lại thu hút hàng nghìn người ở TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà, Thạch Long, Thạch Lưu… đến tham quan.
Đoàn cơ sở Bưu điện Hà Tĩnh phối hợp với Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đón Giáng sinh cho các cụ già và trẻ mồ côi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng trẻ SOS Hà Tĩnh.
Không chỉ tại Thạch Trung, những địa chỉ tôi đến ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu nhuốm sắc màu của mùa Giáng sinh huyền diệu. Sau ngày Vượng Lộc (Can Lộc) về đích nông thôn mới, tôi đã đến xã tìm hiểu thông tin. Tới đây, tôi đã được tham quan nhà thờ tại thôn Cự Lâm, nơi có linh mục Nguyễn Tiến Dũng mà nhiều người dân, cán bộ, công chức khen ngợi. Không gian ven hồ trước nhà thờ tĩnh lặng, xõa bóng cây gợi những trầm tư. Những tảng đá tạo hình nằm giữa hồ đã được trang trí, giàn bóng điện nháy được thay mới, làm đẹp thêm. Cây thông Noel với dây giả tuyết, cặp chuông, những chiếc ủng được các ông thợ vùng giáo bày trí trước sảnh.
Một người dân nói với tôi: “Đêm Noel, chúng tôi tới đây để làm nghi lễ. Đêm đó, nhiều chương trình ca nhạc được chuẩn bị công phu. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị. Hàng năm, hễ đến ngày này, người dân khắp các vùng lại tới nhà thờ của chúng tôi để xem biểu diễn, vui chung”. Lời của người đàn ông khiến tôi nhớ ngày còn nhỏ, cứ háo hức đến ngày Noel. Nói thật là, ngày đó, tôi chẳng hiểu Noel là gì, chỉ biết đêm 24/12 trời rất hay rét, tôi thường cùng mấy đứa bạn tới nhà thờ giáo xứ Kẻ Đông (Thạch Điền) để “trực” đến giờ Chúa tái thế. Từ xã Thạch Hương tới xã Thạch Điền (Thạch Hà), dầu cách xã nhưng chúng tôi không ngần ngại. Không những thế, tôi còn gặp nhiều người không theo đạo, tuổi bậc ông bà, cha mẹ tôi cùng nhau đi lễ Giáng sinh. Sau đêm đó, tôi thường được thằng Thế - bạn cùng lớp, là người theo đạo mời tới ăn thịt gà, ăn bánh. Tôi chẳng có quà gì cho nó, chỉ nghe nó nói: “Đến nhà choa (bọn tao) cho vui. Mi là khách!”.
Chuyện của tôi hẳn giống với nhiều người. Tôi tin điều ấy. Vì, chẳng biết tự khi nào, Noel đã trở thành niềm rạo rực chung. Trong sâu thẳm, như một thứ vô thức tập thể, chúng ta chung vui lễ
Nhân dịp Noel 2016, Nhóm Thiện từ tâm Hương Khê và Bệnh viện đa khoa huyện phát cháo miễn phí và trao quà cho hơn 300 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Giáng sinh như là lễ của mọi người, dầu có thể chúng ta không mang đức tin tôn giáo. Người “ngoại đạo” hoàn toàn có quyền thả hồn mình vào cảnh sắc, không khí của đêm tràn ngập sắc màu, đêm của bao mơ mộng ở những người theo đạo. Sâu xa hơn, trên thực tế, sự hòa chung ấy đã phản ánh tình đoàn kết lương - giáo, sự hòa trộn những nỗi niềm, cảm xúc chung. Thì hãy cứ quan sát xem, trên địa bàn, hầu như ở địa phương nào cũng có những khu vực người theo đạo sống hòa chung với người không theo đạo, xen lẫn những gia đình, xen lẫn những khu dân cư với nhau. Đã là con người thì cảm xúc về cái đẹp, cái thiện đều là chung. Nghi lễ Giáng sinh với các nghi thức tôn giáo là điều dành riêng cho các Ki-tô hữu nhưng bầu không khí ấm áp và yêu thương tỏa ra từ ngày lễ đã trở thành “của chung” tất cả mọi người. Đến với nghi lễ ấy, trong cái rét mướt mùa đông, có cảm giác, mỗi người như được gần nhau thêm nữa.
Noel của sum vầy, hò hẹn
Thằng Phượng - bạn thời để chỏm từng nói với tôi: “Bên Công giáo choa, Noel được coi trọng hơn ngày tết. Những ngày lễ Noel, người công giáo thường sắm sanh, trang hoàng nhà cửa, mời khách khứa đến dự tiệc, thăm hỏi và chúc sức khỏe từng nhà. Nhiều gia đình chuẩn bị cả rượu vang, rượu Tây, ăn lẩu…”. Phượng còn nói: “Noel cũng là dịp gia đình hội tụ. Con cái ở xa thường về chung vui cùng thầy (bố) mẹ”. Trong mâm cơm đoàn tụ tại nhà Phượng với những cá, tôm, tôi cụng ly với bạn Phượng - người dạy Đại học Hà Tĩnh, người công tác tại TP Vinh, đứa làm xây dựng. Có một điều mà tôi đã trải nghiệm lâu nay: Noel đã là ngày hội tụ và kết nối bè bạn. Tôi nhìn rõ trong tình cảm mỗi người dành cho nhau có cả tình cảm chung của những người theo đạo và không theo đạo. Đó là nét đẹp của gặp gỡ chung, vì cái đẹp và sự đồng điệu, xóa nhòa ranh giới tín ngưỡng.
Lung linh đêm Giáng sinh
Noel trong nhịp sống hiện đại còn là dịp để trai gái cùng nhau hò hẹn. Hẳn là thế rồi! Ngày học đại học, tôi đã cùng bạn gái (người bạn đời hôm nay) hằng năm đều đi chơi đêm Noel. Chúng tôi không đến nhà thờ, dầu nghe tiếng kinh cầu khá rõ. Chúng tôi chỉ dạo trên đường phố, rồi đến tiệm mua quà. Ở đó, tôi bắt gặp nhiều bạn bè cùng chen chúc, cười nói mua quà và luôn kèm theo những tấm thiệp nhỏ bằng nửa bàn tay. Có Chúa mới biết họ viết gì! Chỉ biết, họ đang dành yêu thương cho nhau. Chúng tôi đã đi qua bao mùa Giáng sinh và những niềm tin đã ở lại, thành kỷ niệm khó phai mờ. Tôi tin, nhiều bạn trẻ cũng có cùng cảm nhận như tôi. Chẳng ai muốn tự tách mình ra khỏi không gian chung, nơi của cái đẹp sắc màu, nơi hội tụ, nơi có thể sát vai nhau chụp ảnh lưu niệm...
Tôi đã không còn thói quen mua quà cho vợ dịp Giáng sinh. Nhiều khi, tôi cũng tự thấy mình khó hiểu! Thay vào đó, hằng năm, tôi thường chọn mua những con búp bê, gấu bông để tặng con gái bạn tôi - một người theo đạo. Lần này, ra cửa hiệu bên đường Phan Đình Phùng, trong tràn ngập quà phẩm hướng về Noel, có ông Noel to bằng con gấu nhỏ, giá 200.000 đồng. Bà chủ tiệm nói: “Chú mua nhanh kẻo hết. Còn có 2 “ông” thôi. Bữa đến giờ, nhiều người mua lắm! Chú mua thì tôi bớt cho, khuyến mãi phần gói, thiếp”. Mỗi lần tặng quà cho con gái bạn, tôi thường cảm thấy vui vui lạ.
Nhớ khi nó 4 tuổi, mẹ nó bảo: “Nó luôn ước và nói, Noel năm nay con ước ông già Noel tặng 1 con gấu bông”. Tôi biết, chẳng có ông già Noel xứ tuyết làm đúng mộng trẻ con nhưng ít ra, với con trẻ đó là mơ ước và tin tưởng. Tôi chẳng thể hóa thân thành ông già Noel nhưng việc tặng quà thì có thể. Đêm đó, qua con đường bưu điện, một con gấu bông đã được chuyển đến tận tay cô bé. Sau khi chìm giấc ngủ, tỉnh dậy nhận quà, nó đã sống trong một niềm sung sướng và tin rằng, giấc mơ là có thật.
Tài khoản Facebook của Phó Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà vừa đăng ảnh bố con bên cây thông Noel. Một hình ảnh gợi nhắc nhiều điều. Tôi biết, cũng như bao mùa Noel, Noel này, những gia đình nhỏ lại cùng nhau đi chơi. Cái không khí như là lễ hội chung sẽ vun đắp thêm tình cảm gia đình, thắt chặt yêu thương bạn bè và lan tỏa. Và, một mùa Noel an lành, ấm áp lại về trên quê hương yên bình của tôi.