Mùa Thu bắt đầu từ tháng 7, kết thúc bằng tháng 9. Bởi có sự xê dịch giữa lịch dương và lịch âm nên dẫu đã bắt đầu Thu, song tháng 7 vẫn là tiết nóng nhẹ và nóng oi, đến ngày 7/8 mới lập Thu (bắt đầu mùa Thu) và 23/8 mới là tiết xử thử, biểu hiện rõ nhất là mưa ngâu. Người Việt Nam ngàn đời nay chủ yếu làm nông nghiệp, mọi công việc trên đồng ruộng, sinh hoạt trong gia đình, làng xã đều gắn bó với thiên nhiên và phải tính đến yếu tố thiên nhiên nên mỗi biến đổi, dù là bình thường hay bất thường của “mẹ thiên nhiên” đều được quan sát, theo dõi từ những biểu hiện nhỏ nhất: bầu trời chuyển sang âm u hơn, những cơn gió nhẹ mang theo những đợt mưa nhỏ và khí mát len lỏi vào mỗi chiều, mỗi sáng...
Hà Tĩnh vào thu. Ảnh: Sỹ Ngọ
2. Với văn chương Việt Nam, đề tài mùa Thu là một cảm hứng lớn. Trong cung bậc tâm hồn thi sĩ đầy nhạy cảm, đất trời chuyển sang Thu là khoảnh khắc thật đặc biệt. Đó là lúc tâm hồn con người cảm thấy bâng khuâng, dịu dàng, chan chứa những cảm xúc trong trẻo và cái nhìn vô cùng tinh tế trước cỏ cây vạn vật. Từ Nguyễn Du với Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san, Nguyễn Trãi nghe Thu đến, tiếng trời rền cây cỏ/ Sông Ngân, sao Ngọc chuyển không gian, Nguyễn Khuyến thấy Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo…
Hữu Thỉnh: Đã nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như Thu đã về. Đó là những thương nhớ được gọi về, xa xăm diệu vợi mà thật gần gũi, thân thương: Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ năm canh… (Dân ca). Và tháng Tám được gọi tên thật rõ ràng, với tất cả tình yêu, niềm hứng khởi: Tháng Tám mùa Thu, lá khởi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa Thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm… (Lời bài hát: Có phải em là mùa Thu Hà Nội). Mùa Thu - tháng Tám đã thành sự hòa quyện đẹp đẽ giữa thiên nhiên và tâm hồn người Việt Nam.
3. Với lịch sử Việt Nam, cuộc đời người Việt Nam ở thế kỷ XX và mãi sau này, tháng Tám - mùa Thu trở thành một mốc son đánh dấu bước ngoặt đổi thay, làm cho vẻ đẹp của mùa Thu cao quý hơn, đằm thắm hơn, lay thức lòng người hơn. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam trở thành nước Dân chủ cộng hòa. Nhà nước phong kiến bị xóa bỏ, dân ta từ cuộc đời nô lệ tối tăm trở thành người làm chủ. Tuyên ngôn Độc lập do Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố giữa trời Ba Đình trong mùa Thu năm ấy đã làm đổi thay vị thế của một dân tộc, làm đổi thay số phận của hàng chục triệu đồng bào. Đói rét, mù chữ, nghèo nàn, lạc hậu dần dần được đẩy lùi. Mùa Thu - tháng Tám trở thành bản nhạc reo vang trong lòng người:
Tháng Tám mùa Thu xanh thắm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay trời đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời Thu tháng Tám
(Tố Hữu)
Mùa Thu - tháng Tám trở thành cụm từ của lịch sử, của ký ức, gắn với con số 1945. Cái năm Ất Dậu ấy đã trở thành nỗi buồn đau trong tâm khảm của những người từng sống qua 3 chế độ. Hai triệu người chết đói, xác chết chất đầy đường, đầy chợ. Ở cột km số 3 của tỉnh Thái Bình, năm 1945, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh đã ghi lại được khoảnh khắc 2 cậu bé đói rách, bơ vơ ngồi trước cột mốc, đằng sau là những bãi người chết đói. Thái Bình, quê hương 5 tấn thời chống Mỹ, đến hôm nay còn lưu truyền chuyện “nhà máy cháo” phục vụ cầm hơi cho người dân những năm tháng ấy.
Ở Hà Tĩnh, đồng ruộng, núi đồi, biển sông giàu tài nguyên như vậy nhưng người chết đói vẫn đầy đường, trở thành nỗi ám ảnh bởi những cái tên Cồn Cồ, Cồn Sa, Đỗ Đen… Cách mạng là sự xóa bỏ cái cũ để thiết lập cái mới, tiến bộ hơn, tạo nên sự thay đổi sâu sắc về một thể chế chính trị hoặc của một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội. Với nước Nga Xô-viết là Cách mạng tháng Mười, với nước Pháp là cuộc Cách mạng Tư sản Pháp 1789, cách mạng Mỹ với Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hoa Kỳ…
Với 30 triệu đồng bào Việt Nam lúc bấy giờ và 96 triệu người Việt Nam hôm nay và mai sau, Cách mạng tháng Tám là ánh sáng dẫn dắt, tạo nên sự đổi thay kỳ diệu của từng số phận và của cả đất nước không chỉ một thời gian ngắn, không chỉ làm đổi thay một thể chế chính trị mà từ đó đổi thay toàn bộ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cách mạng tháng Tám đã tạo nền móng cho các cuộc cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này và cuộc cách mạng đổi mới đất nước hôm nay, làm cho dân tộc Việt Nam phát triển đi lên, đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam sống cuộc đời tự do, hạnh phúc.
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
(Nguyễn Đình Thi)
4. Hơn 7 thập kỷ đã qua, đi trong mùa Thu tháng Tám hôm nay, giữa tiết trời Thu sang, đọc lại những vần thơ mùa Thu, nghe những bản nhạc mùa Thu, ngắm nhìn cả dải đất nước thân yêu trong sắc thắm trời xanh, từ đồng ruộng, nhà máy, sông biển, núi đồi, càng thêm thấm thía những thành quả lớn lao mà cuộc cách mạng vĩ đại tháng Tám 1945 đã mang lại cho chúng ta.
Mọi cuộc cách mạng đều tạo nên giá trị vĩnh hằng khi chỉ với mục đích vì con người, vì sự đi lên và tiến bộ của xã hội, tạo nên sự đổi thay sâu sắc từ “bát cơm, tấm áo” đến “hương hoa hồn người”…
Sẽ chẳng có bầu trời xanh, lá thu vàng, dòng sông trong vắt… như trong cảm nhận của nhà thơ nếu cái đói, cái rét ngự trị trên đất nước. Cách mạng muốn thành công phải nắm bắt thời cơ, phải vì nguyện vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân, phát huy được trí tuệ của toàn dân, làm cho muôn người như một chung sức, đồng lòng phá bỏ cái cũ, dựng xây cái mới. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng xanh, cách mạng nông thôn mới hôm nay đã và đang tiếp nối thành quả to lớn từ Cách mạng tháng Tám. Đói nghèo đã hết, thất học không còn nhưng nguy cơ tụt hậu và những đòi hỏi cấp bách của vận hội đất nước trong thời kỳ mới buộc chúng ta phải luôn ghi nhớ bài học thành công của cuộc đại Cách mạng tháng Tám 1945.
Mùa Thu đang trở mình… Khúc nhạc tháng Tám đang ngân vang…