“Có nhiều hệ thống NASAMS đang được triển khai khắp Trung Đông. Mỹ và các đồng minh trong NATO đang làm việc với một số quốc gia Trung Đông để thuyết phục họ chuyển các tổ hợp NASAMS trong biên chế cho Ukraine”, Greg Hayes, CEO tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 1/12.
Ông Hayes cho rằng chuyển các hệ thống phòng không NASAMS từ Trung Đông đến Ukraine sẽ nhanh hơn nhiều so với sản xuất mới tại Mỹ, có thể giúp Kiev tiếp nhận các tổ hợp này trong 3-6 tháng tới. Mỹ sau đó sẽ chế tạo các tổ hợp mới để bù đắp cho khách hàng Trung Đông trong hai năm.
“Quá trình chế tạo hệ thống NASAMS mới có thể mất tới 24 tháng, vì cần mua động cơ tên lửa và thiết bị điện tử từ các nhà thầu khác”, CEO Raytheon nói.
Hệ thống NASAMS khai hỏa trong một đợt thử nghiệm. Ảnh: Kongsberg .
Lầu Năm Góc chưa bình luận về thông tin. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải phê chuẩn thỏa thuận chuyển giao tên lửa NASAMS từ Trung Đông sang Ukraine.
Tập đoàn Raytheon từ chối tiết lộ những nước Trung Đông nào có thể cung cấp NASAMS cho Ukraine. Các quốc gia sở hữu hệ thống này tại khu vực gồm Oman và Qatar, nhưng không rõ số lượng trong biên chế.
Đào tạo nhân lực cũng là thách thức khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Ukraine . Quân đội Na Uy từng huấn luyện 60 quân nhân Ukraine vận hành hai tổ hợp NASAMS đầu tiên được Mỹ chuyển giao. “Giai đoạn đào tạo thường kéo dài 6 tháng, nhưng binh sĩ Ukraine được huấn luyện trong vòng 60 ngày. Raytheon có cơ sở hậu cần trong khu vực để hỗ trợ kỹ thuật sau khi các khẩu đội được triển khai”, ông Hayes cho hay.
Lầu Năm Góc hôm 30/11 thông báo lục quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD cho tập đoàn quốc phòng Raytheon để cung cấp 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS, kèm theo huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, cho quân đội Ukraine.
6 hệ thống NASAMS nằm trong gói viện trợ thứ năm, có tổng trị giá 2,98 tỷ USD thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI). Quỹ USAI do quốc hội Mỹ trích lập, cho phép mua vũ khí từ các tập đoàn quốc phòng, thay vì rút từ kho của Mỹ để chuyển tới Ukraine.
Mỹ cam kết chuyển giao tổng cộng 8 hệ thống NASAMS cho Ukraine, hai tổ hợp đầu tiên đã được bàn giao hồi đầu tháng 11. Sự xuất hiện của NASAMS có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), nhất là khi các hệ thống phòng không đời cũ của nước này gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đánh chặn đòn tập kích của Nga.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng số lượng nhỏ hệ thống phòng không tầm trung phương Tây không đủ để giúp Ukraine tạo ô phòng thủ lớn, có tác động xoay chuyển cục diện chiến trường. Tên lửa AMRAAM trang bị trên NASAMS có giá hơn một triệu USD/quả, không phù hợp để đánh chặn mục tiêu giá rẻ như UAV, khiến tổ hợp này có thể gặp khó trước đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình và UAV.