Kho vũ khí hóa học của Mỹ tại Pueblo. (Nguồn: The Gazette)
Thời hạn chót để Mỹ phá hủy kho dự trữ vũ khí hóa học cuối cùng của nước này là vào ngày 30/9, một động thái phát đi thông điệp về những nỗ lực kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới.
Colorado và Kentucky là hai địa điểm cuối cùng trong số các địa điểm, bao gồm Utah và Đảo san hô Johnston, nơi lưu trữ vũ khí hóa học của Mỹ và sau đó được phá hủy. Các địa điểm khác bao gồm các kho ở Alabama, Arkansas và Oregon.
Tại kho hóa chất Pueblo của quân đội Mỹ ở miền Nam bang Colorado, công tác phá hủy vũ khí hóa học đã được bắt đầu triển khai từ năm 2016.
Vào ngày 22/6 vừa qua, việc trung hòa toàn bộ lượng vũ khí hóa học gồm khoảng 2.600 tấn chất gây phồng rộp có chứa khí mù tạt đã được hoàn tất.
Công nhân phá hủy vũ khí hóa học tại kho Pueblo đã sử dụng máy móc hạng nặng để thận trọng đưa vũ khí hóa học cũ kỹ lên hệ thống băng chuyền, sau đó đưa vào các phòng an toàn để robot điều khiển từ xa thực hiện công việc nguy hiểm là loại bỏ chất mù tạt.
Đây là vũ khí độc hại gây phồng rộp da, viêm mắt, mũi, họng và phổi.
Kể từ những năm 1940, kho dự trữ vũ khí hóa học ở bang Kentucky là nơi chứa khí mù tạt và các chất độc thần kinh như chất độc Sarin và VX mà phần lớn trong số đó có trong rocket và các vật thể bay khác.
Năm 2015, bang này đã hoàn tất xây dựng một nhà máy xử lý vũ khí hóa học và đến năm 2019 bang hoàn tất công tác phá hủy vũ khí hóa học.
Nhà máy này áp dụng quá trình trung hòa bằng cách pha loãng hóa chất để có thể tiêu hủy một cách an toàn.
Theo ông Kingston Reif, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về giảm thiểu mối đe dọa và kiểm soát vũ khí , việc phá hủy vũ khí hóa học cuối cùng của Mỹ “sẽ khép lại một chương quan trọng trong lịch sử quân sự, nhưng là chương mà chúng tôi rất mong được khép lại.”
Các quan chức cho biết việc loại bỏ kho dự trữ của Mỹ là một bước tiến quan trọng đối với Công ước Cấm Vũ khí Hóa học vốn có hiệu lực hồi năm 1997 với sự tham gia của 193 nước.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự, với việc phá hủy kho vũ khí, Mỹ đang nhấn mạnh rằng những loại vũ khí như vậy không còn được chấp nhận sử dụng trên chiến trường đồng thời phát đi một thông điệp đến những nước chưa tham gia công ước nói trên.
Có 3 quốc gia gồm Ai Cập, Triều Tiên và Nam Sudan chưa ký công ước này. Israel đã ký công ước nhưng không phê chuẩn.
Vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh hiện đại thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Mặc dù sau đó Công ước Geneva đã cấm sử dụng loại vũ khí này song các nước vẫn tiếp tục dự trữ.