Mỹ lâu nay thường tự cho mình là nhà trung gian hòa giải tích cực khu vực Trung Đông vốn đang bất ổn, đầy rẫy xung đột, bạo lực và mâu thuẫn. Tuy nhiên theo báo cáo công bố gần đây của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri), Mỹ lại là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất tại Trung Đông. Điều này khiến dư luận hoài nghi, thực chất vai trò của Mỹ tại Trung Đông là gì?
Gần một nửa (49%) lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ là tới Trung Đông. Ảnh: RASA. |
Gần 1 nửa lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ chảy vào Trung Đông
Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) ngày 12/3 cho biết, trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017, xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng 25% so với giai đoạn 2008 đến 2012, giúp nước này giữ vững vị trí nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Cũng theo báo cáo, Mỹ chiếm 34% tổng lượng bán vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017. Đáng chú ý, gần một nửa (49%) lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ là tới Trung Đông. Xung đột, chiến tranh triền miên tại Trung Đông đã biến nơi đây trở thành thị trường nhập khẩu vũ khí lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số vũ khí nhập khẩu toàn cầu. Ước tính, lượng vũ khí nhập khẩu trong khu vực Trung Đông đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2013-2017.
Các quốc gia Trung Đông nhập khẩu vũ khí nhiều nhất phải kể đến như là Saudi Arabia (thứ 2 thế giới), Ai Cập (thứ 3) và UAE (thứ 4). Israel, Iraq và Qatar cũng là những nước mua vũ khí chính trong khu vực. Nhập khẩu vũ khí của Saudi Arabia tăng 225% trong 5 năm qua, Ai Cập tăng 215% và Israel tăng 125%. Mỹ là đối tác bán vũ khí lớn nhất cho Saudi Arabia, với 61% lượng vũ khí mà Riyadh nhập khẩu đến từ Mỹ, gần gấp 3 so với đối tác lớn thứ 2 là Anh.
Những con số biết nói này đã phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ tình hình địa chính trị trong khu vực. Cuộc chiến chống khủng bố, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, căng thẳng gia tăng giữa các nước vùng Vịnh đã dẫn đến cuộc chạy đua “không mệt mỏi” về củng cố sức mạnh quân sự và mở rộng kho khí tài.
Giáo sư chính trị Ilter Turan, tại Đại học Bilgi ở Istanbul cho biết: “Trung Đông, khu vực xung đột, đã thu hút sự chú ý của các nhà xuất khẩu vũ khí. Sự hiện diện của một số lượng lớn quốc gia giàu giầu mỏ đã khiến nơi đây trở thành trị trường béo bở để bán vũ khí”.
Hussam Al-Dagany, nhà phân tích chính trị Palestine nhận định, chính phủ Mỹ đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp vũ khí. Chắc chắn rằng nơi tốt nhất để tiêu thụ vũ khí Mỹ chính là Trung Đông”.
Saeed al-Lawendy, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Ahram cho biết: “Mỹ đã hưởng lợi bằng cách này hay cách khác từ sự hỗn loạn và cuộc chiến đang bao trùm tại Trung Đông nói chung và khu vực Arab nói riêng”.
Sự can thiệp quân sự của Mỹ đã khiến tình hình thêm phức tạp. Được sự hỗ trợ của Mỹ, Saudi Arabia cùng với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và nhiều quốc gia Arab khác đã tiến hành chiến dịch quân sự tốn kém chống lại phiến quân Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn kể từ năm 2015. Trong suốt thời gian dài, cả Saudi Arabia và Israel đều đẩy mạnh các hoạt động quân sự bằng cách mua vũ khí tiên tiến của Mỹ, để tăng thế đối kháng và cạnh tranh với Iran.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao, trong đó Saudi Arabia cùng các đồng minh Vùng Vịnh đồng loạt cô lập Qatar với cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố cũng góp phần làm tăng doanh thu đáng kể trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Donald Trump tới Trung Đông vào năm 2017, Mỹ đã ký hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD với Saudi Arabia kèm theo điều khoản hợp tác kỹ thuật quân sự trong mấy thập kỷ tới trị giá hàng trăm tỷ nữa. Tình hình gia tăng căng thẳng và những động thái thân thiết giữa Mỹ và Saudi Arabia đã khiến chỉ 3 tuần sau đó, Qatar phải chi hơn 12 tỷ USD để ký hợp đồng mua sắm lô máy bay chiến đấu F-15E, nhằm đổi lấy cam kết của Mỹ ngăn chặn bàn tay của Saudi Arabia.
Mỹ có thực hiện tốt vai trò trung gian hòa giải?
Lâu nay, Mỹ luôn khẳng định cam kết thực hiện tốt vai trò hòa giải tại khu vực Trung Đông, trong đó có tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và tháo ngòi nổ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Tuy nhiên những cam kết đưa ra và hành động mà Mỹ tiến hành trên thực tế khiến giới phân tích hoài nghi về vai trò của nước này. “Chúng tôi hoài nghi cam kết của Mỹ là vì không thực sự hiểu làm thế nào mà một nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu lại có thể hòa giải khu vực?”, chuyên gia Saeed al-Lawendy nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa sẽ thực hiện vai trò trung gian, trọng tài, và hỗ trợ quá trình tiến tới hòa bình giữa Israel và Palestine. Cam kết của ông Donald Trump được đưa ra trong chuyến thăm tới Nhà Trắng của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tháng 5/ 2017. Ở thời điểm đó, ông Donald Trump cho rằng Israel và Palestine cần hướng tới hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp, đồng thời kêu gọi lãnh đạo Palestine cùng thống nhất tiếng nói để chống lại việc kích động bạo lực và hận thù. Vậy mà chỉ ít lâu sau, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định “gây bão” dư luận, khiến cộng đồng quốc tế sứng sốt: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và có kế hoạch chuyển đại sứ quán từ Tel Avip đến Israel tháng 5/2018.
Quyết định này của Mỹ được giới chuyên gia đánh giá trái ngược với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gây cản trở nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Đông. Bằng chứng là ngay sau khi Mỹ công bố quyết định nêu trên, Palestine đã lên tiếng phản đối và không chấp nhận vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong giải quyết mâu thuẫn với Israel.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Qatar và các nước láng giềng Arab vào tháng 9/2017. Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng, dường như Mỹ đang chơi “ván bài 2 mặt” trong cuộc khủng hoảng này khi cùng lúc ra tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia và các đồng minh, trong khi hứa với Qatar sẽ ngăn chặn bàn tay của Saudi Arabia. Khó có thể dám chắc, liệu kế hoạch “trung gian hòa giải” của Tổng thống Donald Trump có thành công hay không, khi mà cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt, với các bên liên quan nhất quyết không chịu thỏa hiệp cũng không nhượng bộ.
Chuyên gia Hussam Al-Dagany cho rằng, Mỹ đã không chứng minh được rằng nước này có thể trở thành một nhà trung gian hòa giải thực sự đối với bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực”. Giáo sư chính trị Ilter Turan nhấn mạnh “Mỹ đang hành động thiếu thận trọng tại Trung Đông và điều này không có lợi cho tiến trình hòa bình trong khu vực”.