Tỷ phú Warren Buffett đã nhận thức một bài học quan trọng trong nghề nghiệp từ rất sớm. Đó là nếu không có sự biểu đạt đúng đắn, ngay cả ý tưởng thông minh nhất cũng có thể thất bại.
Vì vậy, ở tuổi 19, Buffett đã đăng ký một khóa học về giao tiếp tại Dale Carnegie. Học viện này được đặt tên theo một nhà diễn thuyết có sức thuyết phục và là tác giả nổi tiếng với tác phẩm “How to Win Friends and Influence People”.
Những kỹ năng mà ông học được đã giúp ông chuyển từ sự vụng về sang tự tin, giúp ông thành công trong lĩnh vực kinh doanh về sau. “Nếu bạn không thể giao tiếp, trò chuyện với người khác và diễn đạt những ý tưởng thì bạn đang bỏ lỡ tiềm năng của mình”, ông nói.
Warren Buffett rất coi trọng kỹ năng giao tiếp. |
Các nhà lãnh đạo thành công khác cũng đồng ý với điều này. COO Facebook và cũng là tác giả nhiều quyển sách bán chạy nhất - Sheryl Sandberg, tỷ phú Richard Branson, nhà đầu tư và cố vấn doanh nghiệp Marcus Lemonis đều từng lặp lại gợi ý của Buffett.
“Giao tiếp là một kỹ năng mà bạn có thể học được. Nó cũng giống như tập chạy xe đạp hay là tập đánh máy. Nếu như bạn sẵn sàng làm, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng từng phần trong cuộc sống của bạn", tỷ phú Branson nói.
Khả năng nói và viết hiệu quả là một trong những kỹ năng mềm đang được các nhà tuyển dụng Mỹ yêu cầu ứng viên cần phải có nhất hiện nay, dựa theo sự phân tích của khoảng 940.000 danh sách việc làm. Và đây là 5 thủ thuật giao tiếp mà Buffett và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều tuân theo.
Ghi chú điều cần nói chứ không soạn sẵn
Nếu đã từng xem buổi diễn thuyết của Buffett, các bạn sẽ nhận ra rằng ông hiếm khi nhìn vào một mảnh giấy nào. Đó là một trong những nguyên tắc cốt lõi của Carnegie: một bài diễn văn hay thì không bao giờ được soạn ra trước.
Cho dù bạn đang chuẩn bị một bài thuyết trình hay đang chuẩn bị cho buổi họp báo cáo với cấp trên, hãy ghi chú những điểm chính chứ không phải một bản nháp hoàn chỉnh về tất cả mọi thứ mà bạn muốn nói.
Những ý chính được viết ra sẽ cho bạn một dàn ý những điều muốn nói. Phương thức này giúp gia tăng sự tự tin và tránh được một bẫy lớn nhất khi soạn sẵn phần trình bày đầy đủ, khiến nó trở nên cứng nhắc như người máy.
Hãy mỉm cười
“Ngay cả những người chỉ có khả năng diễn thuyết tầm thường cũng có thể tạo ra những phần thuyết trình tuyệt vời nếu họ nói về điều mà họ hứng thú sâu sắc", nhà diễn thuyết Carnegie từng nói.
Buffett bắt đầu có hứng thú với đầu tư, tiền tệ và đạt được sự thành công khi còn rất trẻ. Sự nhiệt tình đó thể hiện qua các bài diễn thuyết và các bài phỏng vấn của ông, khiến người nghe thích thú.
Một cách dễ dàng để thể hiện thêm sự hăng hái là mỉm cười. Theo Joe Hart - Giám đốc điều hành Dale Carnegie, mỉm cười thể hiện năng lượng tích cực và toát lên sự tự tin.
Theo các nghiên cứu khoa học, chỉ hành động mỉm cười cũng gây ra sự giải phóng các kích thích tố làm thúc đẩy tâm trạng.
Gọi tên người đang giao tiếp
“Dale Carnegie nói rằng, đối với mọi người thì tên của người đó là âm thanh ngọt ngào nhất trong bất kỳ ngôn ngữ nào”, Hart chia sẻ với CNBC.
Dù không nên lạm dụng nhưng việc gọi tên của một người khi trò chuyện hoặc khi cám ơn họ cho thấy sự tôn trọng, sự hoan nghênh và sự thân thiện, Hart cho biết.
Nếu muốn nhớ tên một người nào đó tốt hơn, các chuyên gia khuyên nên tạo một mối liên kết trực quan sau khi các bạn gặp một ai đó. Ví dụ, nếu gặp một người có tên là “Brian” và anh ta đeo kính lớn, hãy ghi nhớ về “Brian với cặp kính to.” Việc có hình ảnh được liên kết với tên của một người sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể
Marcus Lemonis, người huấn luyện các doanh nghiệp trong chương trình “The Profit” của CNBC, đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ cơ thể khi phân tích khả năng lãnh đạo của một ai đó.
Ông khuyến khích các ông chủ và cả các nhân viên nên chú ý đến giọng nói, nét mặt và cử chỉ. Theo các chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, những người mà luôn đứng thẳng, thỉnh thoảng có cử chỉ và tiếp xúc bằng mắt có vẻ có uy quyền hơn.
Ngoài ra, hãy nhớ điều hòa nhịp thở khi trò chuyện. Thường thì khi ai đó lo lắng, giọng nói của người đó trở nên cao hơn và nhịp thở trở nên nông, điều này có thể truyền đạt nỗi sợ hãi.
Hãy lắng nghe
Dù việc biết cách làm thế nào để diễn thuyết tốt là quan trọng, nhưng việc biết cách làm thể nào để lắng nghe cũng quan trọng không kém, Branson cho biết. Để thăng tiến trong sự nghiệp, các bạn cần phải biết “lắng nghe nhiều hơn bạn nói,” ông chia sẻ.
Đừng để sự háo hức của bạn trong lúc nói chuyện cản trở bạn khỏi việc lắng nghe quan điểm hoặc gợi ý của người khác. “Nếu bạn không lắng nghe, bạn sẽ bị thiệt thòi”, nhà sáng lập Tập đoàn Virgin nhắc nhở.