Ấn bản mới nhất của tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Munchausen. |
Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Munchausen là một cuốn tiểu thuyết hài hước, tràn ngập tiếng cười của nhà văn người Đức Rudolf Erich Raspe. Mang dòng dõi quý tộc Hà Lan, Nam tước Munchausen có thể hưởng thụ một cuộc sống xa hoa trong lâu đài. Nhưng dòng máu yêu thích phiêu lưu mạo hiểm đang chảy trong huyết quản không cho phép ông ngồi yên một chỗ.
Cùng chú ngựa trung thành, ngài Nam tước bắt đầu cuộc hành trình đến những miền đất lạ. Khởi hành từ thủ đô Amsterdam, nhà thám hiểm của chúng ta không chỉ sang Pháp hay tới Nga mà còn thực hiện một chuyến đi vòng quanh châu Âu. Thậm chí Nam tước Munchausen còn sang tận châu Phi xa xôi. Bất ngờ hơn, ông còn lên thám hiểm Mặt trăng mà chẳng cần tới tàu vũ trụ.
Đi tới đâu, ngài Nam tước cũng có vô khối chuyện thú vị để kể. Ai cũng biết, nước Nga có mùa đông vô cùng lạnh. Nhưng tuyết rơi dày đến nỗi phủ kín cả nóc nhà thờ thì quả thực khiến người ta kinh ngạc. Nguy hiểm tăng lên gấp bội khi ngài Munchausen quyết định tiếp tục chuyến thám hiểm bằng đường thủy.
Trong một chuyến lênh đênh trên biển, tàu của Nam tước Munchausen không may bị đắm. Một chú cá voi tham ăn đã quyết định biến nhà quý tộc thành… bữa tối ngon lành. Không hề nao núng, ông nhanh trí mổ bụng con cá và thoát hiểm dễ dàng. Ngay cả những loài mãnh thú như hổ hay sư tử cũng không làm nhà thám hiểm của chúng ta khiếp sợ. Với mưu mẹo tài tình, ngài Munchausen còn nghĩ ra cách để chúng... tự tiêu diệt lẫn nhau.
Không chỉ là một nhà thám hiểm gan dạ, Nam tước Munchausen còn là một nhà ngoại giao tài ba. Nhờ có ngài mà người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tranh chấp và cùng nhau bắt tay xây dựng kênh đào qua eo biển Suez. Khi tới Ấn Độ, ngài Nam tước ra tay tiêu diệt gã bạo chúa Tippoo Sahib độc ác và tàn bạo mà chẳng cần dùng tới binh hùng tướng mạnh.
Nam tước Munchausen là nhân vật có thật trong lịch sử. Ông vốn là một vị bá tước người Đức. Ông sinh năm 1720 và mất năm 1797 tại vùng Bodenwerder, một đô thị cổ ở vùng tây bắc nước Đức. Khi ông qua đời người dân địa phương đã cho tạc tượng và xây dựng một viện bảo tàng để lưu giữ những kỷ vật của nhà quý tộc nổi tiếng. Cho tới ngày nay, Bảo tàng Munchausen vẫn là một địa điểm thu hút khách du lịch khi tới thăm Bodenwerder.
Trong những năm 1735-1739, Bá tước Munchausen tham gia cuộc chiến tranh Nga - Thổ. Để động viên tinh thần binh lính, ông tường kể cho họ nghe những mẩu chuyện phiêu lưu kỳ thú, mang sắc thái trào phúng và vô cùng hài hước. Những câu chuyện thú vị của ngài bá tước nhanh chóng được lan truyền khắp nơi và dành được tình cảm của nhiều người dân Đức, đặc biệt là người dân nghèo.
Nhà văn Rudolf Erich Raspe, vốn là một người bạn của Bá tước Munchausen. Qua lời kể của bá tước, những mẩu chuyện thú vị đã được tập hợp lại. Nhà văn còn sáng tạo thêm nhiều chi tiết hấp dẫn để tạo nên cuốn truyện nổi tiếng Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Munchausen và hoàn thành tác phẩm vào năm 1781.
Ban đầu tác phẩm được viết bằng tiếng Anh, mãi tới năm 1786 mới được Gottfried August Bürger dịch sang tiếng Đức. Bản dịch này nhanh chóng đưa hình tượng nhân vật Munchausen nổi tiếng khắp thế giới. Cũng vì vậy mà công lao của nhà văn Rudolf Erich Raspe đã không được ghi nhận đúng đắn. Đã có lúc, nhớ tới nhân vật Munchausen, người ta chỉ nhớ tới Gottfried August Bürger.
Sau này, khi cuốn tiểu sử về Gottfried August Bürger được công bố, công lao của Rudolf Erich Raspe đối với nhân vật Munchausen mới được nhìn nhận lại. Ngày nay, nhân vật Nam tước Munchausen còn bước ra khỏi địa hạt của văn chương.
Trong y học, cái tên Munchausen dùng để chỉ một hội chứng tâm thần hiếm gặp. Người mắc hội chứng này luôn bị ám ảnh rằng mình đang bị bệnh. Họ liên tục đi khám bác sĩ và yêu cầu được nhân viên y tế chăm sóc, mặc dù những người này hoàn toàn khỏe mạnh.