Giờ thực hành nghề sửa chữa ô tô (công nghệ ô tô) của học sinh Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh
Mỗi năm, Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh đào tạo, cung cấp cho các doanh nghiệp, thị trường gần 8.000 lao động, trong đó có gần 3.000 lao động có trình độ trung cấp nghề. Tỷ lệ học sinh sau 3 tháng ra trường có việc làm đạt xấp xỉ 80%; các doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng đào tạo lao động với nhà trường. Có được kết quả đó là nhờ nhà trường luôn chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Hiện trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh có 177 cán bộ, giáo viên, trong đó có 29 giáo viên trình độ thạc sỹ, 104 giáo viên trình độ đại học và 44 giáo viên trình độ cao đẳng và trình độ khác.
Giáo viên Trường Trung câp Nghề Hà Tĩnh hướng dẫn sinh viên thực hành vận hành xe nâng
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Phó hiệu Trưởng trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hoặc gửi, cử giáo viên đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi năm nhà trường tổ chức 2 đợt tập huấn tập trung, mỗi đợt từ 3 đến 5 ngày cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên tự đăng ký học tiếp lên trình độ cao hơn như thạc sĩ, đại học…
Nhà trường có quy chế để mỗi giáo viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng tay nghề để truyền thụ cho học sinh kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng đứng lớp…
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh luôn chú trọng phát triển các nghề trọng điểm quốc tế và quốc gia.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh là 1 trong 45 trường trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo nghề, hiện nhà trường có hơn 130 giáo viên, trong đó trên 50% giáo viên đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường đang đào tạo 12 ngành nghề và các chương trình ngắn hạn, trong đó có 2 ngành đạt cấp độ chuẩn quốc tế, 4 ngành cấp độ khu vực, 1 ngành cấp quốc gia. Đây là 1 trong 25 trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH chọn hợp tác đào tạo với Học viện Chisolm (Úc), đào tạo 12 bộ chương trình cho 12 nghề trọng điểm quốc tế được chuyển giao từ Úc.
Ngoài nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh còn đầu tư trang thiết bị, đào tạo giáo viên; xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế và quốc gia
Tiến sỹ Cao Thành Lê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh cho biết, để khẳng định chất lượng giáo dục đào tạo, nhà trường đã chú trọng phát triển các nghề trọng điểm quốc tế và quốc gia như: Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ ô tô…Trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành nghề; xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo giáo viên chuyên nghiệp có kỹ năng quốc tế.
Cùng theo Tiến sỹ Cao Thành Lê, nhà trường chủ động mở hướng liên kết với các doanh nghiệp để đưa học sinh đến thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp, qua đó giúp giáo viên và học sinh tiếp cận được những công nghệ mới, kiến thức thực tiễn.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và LĐLĐ tỉnh kiểm tra công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cần đảm bảo 3 yếu tố: Đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên, đầu tư trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo. Do vậy, một trong 3 yếu tố quyết định chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc đào tạo đội ngũ giáo viên cần được các ngành chức năng và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng hơn nữa.
Hội giảng “Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2020” đã mang đến những kỹ năng, kinh nghiệm bổ ích trong giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.
Theo ông Phạm Văn Sâm, Phó Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH), để làm được điều này, thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh chuyển giao các chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên ở các ngành, nghề trọng điểm.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần chủ động liên kết trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên để phù hợp với thực tế các trường, các doanh nghiệp và nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
“Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2025 có 80% giáo viên đạt chuẩn quốc gia”, ông Phạm Văn Sâm cho hay.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 836 giảng viên, giáo viên, trong đó: 5 tiến sỹ, 2 nghiên cứu sinh tiến sỹ, 170 thạc sỹ, 453 đại học, 62 cao đẳng và 144 trình độ khác. Toàn tỉnh có 231 giảng viên, giáo viên được tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, và các tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), lao động quốc tế (ILO) tổ chức, có 45 giảng viên, giáo viên được bồi dưỡng chuyên sâu về kiểm định và đảm bảo chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, giảng viên, giáo viên đã đạt chuẩn theo chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |