Nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước

Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

nang cao trach nhiem trong quan ly nguoi thi hanh cong vu cua co quan nha nuoc

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Đình Nam

Nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước

Liên quan đến quy định về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường trong dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện có hai luồng ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như Luật hiện hành. Dự thảo Luật được xây dựng theo loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định theo hướng thu gọn một bước giảm số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự. Cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án và Viện kiểm sát thì giữ như Luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, quy định của dự thảo Luật theo loại ý kiến thứ nhất sẽ gắn trách nhiệm giải quyết bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, không phân biệt cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường nên không làm phát sinh các thủ tục giữa cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường và không làm xáo trộn mô hình cơ quan giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, nếu theo phương án này, Nhà nước phải đầu tư kinh phí thường xuyên cho các cơ quan giải quyết bồi thường như báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường... trong khi không phải cơ quan nào cũng phát sinh vụ việc và phải giải quyết bồi thường. Không khắc phục được tâm lý thiếu tin tưởng của người yêu cầu bồi thường vào sự khách quan của hoạt động giải quyết bồi thường vì cơ quan giải quyết bồi thường lại đồng thời là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Đồng thời, khó khăn trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường dẫn tới chưa khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Trường hợp dự án Luật được xây dựng theo loại ý kiến thứ hai sẽ giảm bớt số lượng cơ quan giải quyết bồi thường từ khoảng 28.000 xuống chỉ còn hơn 2.000 cơ quan; không làm xáo trộn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước hiện hành vì không làm phát sinh bộ máy, biên chế; nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của mình; khắc phục một bước tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường. Bên cạnh những ưu điểm đó, loại ý kiến này còn có một số hạn chế như chưa thực sự gắn trách nhiệm giải quyết bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; có thể làm phát sinh các thủ tục, hồ sơ giữa cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường.

Bổ sung quy định về “cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại” trong hoạt động tố tụng và thi hành án

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thẩm tra luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy:

Thứ nhất, quy định cơ quan gây thiệt hại đồng thời là cơ quan giải quyết bồi thường như phương án 1 của dự thảo Luật phản ánh đúng quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có hành vi gây thiệt hại thì có trách nhiệm giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường của mình. Quy định như vậy gắn trách nhiệm bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

nang cao trach nhiem trong quan ly nguoi thi hanh cong vu cua co quan nha nuoc

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra

Thứ hai, nếu giao trách nhiệm giải quyết bồi thường cho cơ quan cấp trên trực tiếp như phương án 2 của dự thảo Luật sẽ tạo thêm các thủ tục trung gian trong giải quyết bồi thường giữa cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường, gây khó khăn cho người dân trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường, làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính và có thể làm kéo dài thời gian giải quyết; đồng thời phát sinh chi phí cho cả Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết bồi thường.

Thứ ba, qua thực tế giải quyết các vụ việc bồi thường nhà nước cho thấy nguyên nhân chủ yếu của tình trạng kéo dài thời gian giải quyết bồi thường, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường không phải ở mô hình cơ quan giải quyết bồi thường mà là do các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, nhất là các căn cứ cụ thể để xác định mức bồi thường chưa đầy đủ, chi tiết, rõ ràng. Theo Báo cáo tổng kết của Chính phủ thì trong 6 năm thi hành Luật chỉ phát sinh 01 trường hợp giải quyết bồi thường ở cấp xã. Vì vậy, việc thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường không có nhiều ý nghĩa và cũng không giải quyết được bất cập mà thực tế đặt ra.

Thứ tư, các lý do trong Tờ trình nêu ra để thu gọn đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường như phương án 2 chưa thực sự thuyết phục, bởi vì việc thu gọn đầu mối không dẫn tới giảm bớt tổ chức bộ máy, biên chế. Trên thực tế, các cơ quan, tổ chức đó vẫn tồn tại, thậm chí quy định thu gọn đầu mối như phương án 2 của dự thảo Luật có khả năng sẽ làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, con người do cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện phải bố trí bộ máy, biên chế để giải quyết việc bồi thường của rất nhiều cơ quan cấp dưới.

Thứ năm, việc tách cơ quan gây thiệt hại với cơ quan giải quyết bồi thường như phương án 2 của dự thảo Luật dẫn đến thay đổi bố cục của Luật, trong khi đó bố cục như Luật hiện hành là tương đối rõ ràng, dễ theo dõi và áp dụng. Hơn nữa, việc tách bạch hai loại cơ quan này cũng không được xử lý một cách nhất quán trong dự thảo Luật, theo đó, trong lĩnh vực tố tụng (trừ hoạt động điều tra) thì cơ quan gây thiệt hại với cơ quan giải quyết bồi thường vẫn là một, không có sự thay đổi so với Luật hiện hành; một số lĩnh vực tổ chức theo ngành dọc đáng lẽ phải tách bạch giữa cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường thì cũng không tách bạch được .

Từ những ý kiến này, đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị vẫn giữ mô hình cơ quan giải quyết bồi thường và bố cục như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết bồi thường.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phương án 1 của dự thảo Luật đã luật hóa quy định về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính tại Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Do đó, đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về “cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại” trong hoạt động tố tụng và thi hành án để bảo đảm Luật ban hành có thể thực hiện được ngay mà không cần quy định chi tiết .

Theo Thanh Tú/quochoi.vn

Đọc thêm