Nặng sâu hai tiếng: Đồng bào!

Trận đại hồng thủy vừa qua đã khiến nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh hoang tàn, lấm lem. Nhiều hộ dân ở các huyện, nhất là Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên…trở thành trắng tay, đói và rét. Nhưng hơn bao giờ hết, những ngày này, họ đã được sưởi ấm trong tình yêu thương của đồng bào cả nước và nước ngoài, các chiến sĩ Công an, Quân đội, nhà doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân… Hai tiếng: “đồng bào” chưa bao giờ lại mang một ý nghĩa sâu sắc, thấm thía như thế. Chứng kiến hành động cao đẹp của những người “cùng chung một bọc”, chúng tôi vô cùng xúc động.

Những chuyến xe nghĩa tình

Trong đoàn xe cứu trợ của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Tĩnh đi các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, Thạch Hà, Can Lộc, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn xe, chiếc xe xuôi ngược trên đường số I, quốc lộ 8A, đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ 5, tỉnh lộ 3… Chiếc từ Hải Dương, Hà Nôi, chiếc từ Sài Gòn, Viên Chăn, từ thành phố Vinh, Thanh Hóa. Thành phố Hà Tĩnh, Kỳ Anh…

Đến với nhau bằng những tấm lòng
Đến với nhau bằng những tấm lòng

Cũng có chiếc dán băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ và rõ ràng, cũng có chiếc đơn giản chỉ là một mảnh giấy nhỏ đánh máy mang 4 chữ : “Xe làm từ thiện”. Có chiếc xe con sang trọng, lại có những chiếc xe tải nhỏ đã cũ nát bên cạnh những chiếc xe tải lớn chất đầy hàng hóa, những chiếc xe ca chở đầy thanh niên tình nguyện của thành phố Hà Nội, xe của lực lượng Công an, Quân đội chở CBCS về giúp dân. Những chiếc xe của Công ty điện tử Lý Ngân, Công ty xe máy Bình Thuỷ, Công ty Sơn CP Sơn Hà chất đầy hàng hóa vội vã chạy về vùng lũ. Tất cả đều chung một đích đến là những đồng bào bị thiệt hại nặng nề nhất, những vùng ở xa nhất.

Qua tỉnh lộ 5, tôi chợt để ý đến một chiếc xe tải nhỏ chỉ ghi đơn giản một dòng: “Chị em Thành phố Vinh ủng hộ đồng bào lũ lụt”. Trên xe là quần áo, chăn màn, mì tôm. Cùng với chiếc xe của Chi hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Kỳ Anh chở 3 tấn gạo, xe này chạy vào trụ sở xã Đức Bồng cấp phát thẳng cho bà con. Trên con đường bụi đất mù mịt, có chỗ bùn đất còn đặc sánh hướng về xã Phương Mỹ - địa phương bị ngập nhiều ngày nhất và nặng nề nhất của huyện Hương Khê, khi chúng tôi len lỏi đi vào thì đã thấy đoàn xe của tăng ni phật tử Hưng Yên, Giáo phận Thanh Hóa….và nhiều xe khác trên đường trở ra. Một lái xe thò đầu ra khỏi buồng lái “mách” với chúng tôi: Hãy đi vào sâu hơn nữa, đồng bào trong đó khổ lắm!

Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình
Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình

Nhiều điểm cấp phát hàng cứu trợ được hình thành tại các cụm dân cư khô ráo của xã Phương Điền, Phúc Đồng, Hà Linh… Tại trụ sở 2 tầng còn ướt át của xã Phương Mỹ, những chiếc xe trước phải khẩn trương xả hàng để nhường chỗ cho những chiếc sau. Rất ít thấy trên đường những chiếc xe làm việc hàng ngày như mọi khi. Lại đúng ngày thứ bảy, chủ nhật nên nầu như tất cả các xe đều chỉ tập trung vào nhiệm vụ là cứu trợ đồng bào lũ lụt

Máu chảy ruột mềm

Ngồi cùng chúng tôi một cung đường, anh Vũ Thìn - Trưởng phòng chuyên đề Đài PTTH Hà Tĩnh kể lại một câu chuyện cảm động: Nông dân xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội đang đi cấy lúa dưới ruộng, nghe tin lũ tàn phá miền Trung khốc liệt đã rủ nhau quyên góp tiền của, thóc gạo trợ giúp đồng bào Hà Tĩnh. Một nhà trong xã cho mượn xe, thế là họ mang theo 850 thùng mì tôm, 1.000 bộ quần áo, 1,2 tấn gạo và một số tiền mặt lên đường vào Hà Tĩnh. Đến huyện Nghi Xuân, họ tìm đường về ốc đảo Xuân Giang 2 để cứu trợ bà con, rồi vào thành phố tìm gặp cơ quan chức năng để được giới thiệu đi một số địa điểm khác bị ngập nặng, mang tiền gạo đến tận tay bà con kịp thời.

Trong những ngày này, câu chuyện về miền Trung và chiếc xe khách bị nạn ở Hà Tĩnh trở thành nóng bỏng trong trái tim hàng chục triệu người. Hàng triệu đôi mắt dán vào màn hình tivi, theo dõi từng giờ từng phút tình hình miền Trung. Hàng triệu đôi mắt nhòa lệ. Những giấc ngủ của người ở nơi không lũ lụt cũng chập chờn thao thức, thương về những người ướt át, đói rét, màn trời chiếu nước. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, CLB Doanh nhân nữ Hà Tĩnh đã quyên góp được số tiền 30 triệu đồng đủ mua 300 chiếc chăn và 80 bộ quần áo cho bà con các huyện ngập nặng. Chị Tố Nga - Ban chủ nhiệm CLB nói: “Em mới điện lên trên đó, bà con rét lắm! Phải mua chăn và phải đi gấp thôi chị ạ, sớm chừng nào hay chừng đó”.

Sư trụ trì chùa Phật Tích ở Viên Chăn (Lào) đích thân mang tiền, hàng cứu trợ về cho bà con vùng lũ ở Đức Thọ; bà con Việt Kiều ở cửa khẩu Lào - Thái và nhiều nước trên thế giới cũng quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung. Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã tiếp nhận hơn 33 tỷ đồng, hàng trăm tấn gạo và hàng hóa, hàng chục nghìn USD do đồng bảo cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ.

Người có giúp người khó, người khó ít giúp người khó nhiều. Không ai bảo ai, không ai thúc giục ai. Trái tim nhân hậu, tình yêu thương đồng bào đã thúc giục họ. Có tổ chức, cá nhân đăng ký qua tỉnh, huyện. Cũng có những đoàn xe đi thẳng, không báo chí, truyền hình đưa tin. Nắm cơm muối vừng của chị em vùng cao Hương Khê, tấm áo chiếc chăn, mì tôm, gạo, nước của Báo Hà Nội mới, Báo Sài Gòn Giải phóng, Hội nông dân Hà Tĩnh, Đội TNTN Thành đoàn Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Thành phố HCM, Hội CTĐ Đồng Tháp…và rất nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác không thể kể hết đang làm sáng thêm 2 chữ “đồng bào”, đúng như những gì cha ông ta đúc kết, răn dạy: “Máu chảy ruột mềm”, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương..."

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.