Ngày vua Minh Mạng lập tỉnh 1831, chọn đất Thành phố Hà Tĩnh bây giờ làm tỉnh lỵ. Cho đến năm 1881, vua Tự Đức cho xây thành Hà Tĩnh. Một đêm sau trận mưa, sen trong thành mọc rất nhiều, vua đặt tên là Liên Thành (Thành Sen). Truyền thuyết ấy đã đi vào trang sách và sống trong tâm khảm của người dân, mặc dầu cho đến năm 1924, Thị xã mới chính thức được thành lập. Sinh ra và lớn lên nơi góc phố Lâm Phước Thọ (nay là đường Trần Thị Hường), trải bao nắng mưa, bao mùa hạ đùa chơi dưới hàng xà cừ xanh tốt trước nhà, bao mùa đông dò dẫm bước chân trên những con đường lầy lội, tôi tự hào và âm thầm dõi theo mỗi bước đi của Thành phố tuổi thơ.
Đường phố trang hoàng, sạch đẹp |
Tuy nhỏ nhưng Thành Sen quê tôi có núi Nài (Cảm Sơn), một ngọn núi cổ nổi lên giữa vùng đồng bằng chứa đựng bao sự tích. Trên đó, thời Pháp có chùa Phật học, nay được phục hồi gọi là chùa Cảm Sơn. Thành Sen có rất nhiều sông bao quanh, gần như tứ phía. Sông Rào Cái chảy vòng từ phía Tây sang phía Nam và Đông Nam (đoạn qua cầu Phủ gọi là sông Phủ); chạy qua Thạch Hưng, Tượng Sơn gọi là sông Đò Hà; chảy qua Thạch Hưng, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Quý là sông Đồng Môn rồi hợp lưu. Phía Bắc và Tây Bắc có sông Cày chảy về cầu Hộ Độ rồi xuôi về biển.
Sông Cụt là sông đào từ Âu Thuyền chợ tỉnh (nay đã bị lấp) chảy qua cầu Sở Rượu nối với Hào Thành ở Cầu Vồng, chảy qua làng Tiền Bạt, quê hương của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và hòa vào sông Đồng Môn. Các con sông không lớn nhưng cùng với hệ thống các hồ: Nhà Hát (nay nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), Bắc Hà (còn gọi là hồ Công an vũ trang), Bảy Mẫu (Nam Hà) và Hào Thành đã góp phần điều hòa khí hậu, thoát thải cho Thị xã.
Xa xa về phía Đông Bắc là núi Nam Giới và dãy Long Ngâm thuộc đất Thạch Hà, phía Tây là dãy Trà Sơn và Bàu Đái như bức bình phong che chắn gió bão. Chính vì vậy mà từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ thấy Thị xã bị lụt lội trôi nhà cửa và chết người. Ông bà, bố mẹ tôi cũng chưa bao giờ thấy cảnh đó. Ngẫm ra mới biết tài nhìn xa, trông rộng của ông vua Minh Mạng khi chọn vùng “đắc địa” này làm tỉnh ly Hà Tĩnh và xây thành đắp lũy làm nơi đóng đô.
Được cha ông trao truyền truyền thống yêu nước và hiếu học, cần cù lao động, bao thế hệ người Thành Sen đã đóng góp sức người, sức của, thầm lặng hy sinh để bảo vệ giống nòi và giang sơn bờ cõi. Còn đây tên tuổi của các chiến cách sĩ mạng tiền khởi nghĩa như Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Thị Khương, Trần Tráng. Còn đây tấm gương trung liệt của ba người con gái cùng mang họ tên Trần Thị Hường đều hy sinh khi tuổi xuân trong trắng cho đất nước: một là chiến sĩ cách mạng 30-31 hy sinh trong Nhà lao Thị xã (đóng sau UBND tỉnh ngày nay), một là thành viên Tiểu đội 4 C552 (10 cô gái Đồng Lộc) và một thuộc Tiểu đội dân quân trực chiến pháo 12,7 bắn máy bay, hy sinh năm 1972 ở trận địa Bồng Sơn.
Còn đây tấm gương kiên trung của anh hùng Lê Bình, chiến sĩ Trần Đức Vịnh... cùng bao anh hùng liệt sĩ đã tô thắm trang sử đất nước. Còn đây trận địa Núi Nài, Thạch Quý ghi dấu chiến công trận đầu thắng Mỹ của quân dân Hà Tĩnh. Còn đây dấu tích Nguyễn Công Trứ trên đất Đại Nài cùng tên tuổi của nhà văn Văn Linh, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà văn Nguyệt Tú, Cẩm Lai, danh họa Nguyễn Phan Chánh. Lớp văn nghệ sĩ mới thành danh sau này như Ngọc Thịnh, Quốc Nam, Thái Bảo đã làm đẹp thêm truyền thống văn hóa của quê hương…
Không gian xanh trong lòng thành phố |
Nhớ Thị xã ngày nào nhỏ bé và yên bình, thanh lịch. Các phố Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường có truyền thống học hành, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần. Các khu phố Đồng Hải, Bồng Sơn, Trần Đức Vịnh sản xuất tốt. Các phố Thành Đông, Tân Lập buôn bán giỏi. Nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ra đời và phát triển phục vụ 2 cuộc kháng chiến của dân tộc như gò hàn Hợp Lực, may mặc Toàn Thắng, mành cọ, phấn, pháo Thành Sen...
Hết chiến tranh, bước vào công cuộc đổi mới, Thị xã chỉ hai bàn tay trắng với cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, tính chất “phố làng” thể hiện rõ ở sản xuất nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, nhà máy, xí nghiệp rất ít, điện tù mù, nước máy nhỏ giọt, nhà tranh nhiều hơn nhà ngói, đường làng lầy lội, cái đói lẩn khuất dưới những mái nhà.
Vậy mà, chỉ sau gần 30 năm đổi mới, Thị xã quê tôi đã vươn mình lớn dậy với sức vóc Phù Đổng. Không còn một con đường đất nào! Phan Đình Phùng, con đường nhựa duy nhất ngày xưa cũng được nâng cấp, hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ được nhựa hóa và bê tông hóa từ nguồn lực Nhà nước và nhân dân, Thị xã lên Thành phố, rồi được quy hoạch và mở rộng về phía Bắc, phía Tây. Cùng với hệ thống đường ven biển và đường đi mỏ sắt Thạch Khê chạy qua, người xuôi kẻ ngược, ra Bắc vào Nam đều thuận lợi. Điện sáng bốn mùa, phố xá tinh tươm, đèn hoa lộng lẫy trong ngày lễ tết. Nhiều khu hành chính, tòa nhà thương mại, khu chung cư cao tầng mọc lên. Nhà có số, phố có tên. Cư dân nhiều nơi khác đổ về sinh sống làm cho Thành phố vừa giàu có, phồn thịnh; vừa hội tụ được nhiều nguồn lực và trí tuệ. Sau năm 1975, Thị xã chỉ có 2 tiểu khu là Bắc Hà, Nam Hà, vậy mà bây giờ đã phát triển thành 10 phường, 6 xã với diện tích 56,32 km2, dân số hơn 8,7 vạn người, ranh giới mở rộng tới cả cầu Thạch Đồng phía Đông, giáp Thạch Tân và Thạch Vĩnh ở phía Tây.
Hồ Nhà Hát |
Tôi nhớ mãi cuộc họp mặt với báo giới cách đây hơn 15 năm, lúc anh Đinh Xuân Việt còn làm Bí thư Thị ủy, anh Trần Nam Hồng làm Chủ tịch Thị xã. Các anh đã nói về chiến lược phát triển của trung tâm tỉnh lỵ, trong đó có những tuyến đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du kéo dài, nam cầu Cày đi Thạch Đồng, khu đô thị Bắc Nguyễn Du, rồi nạo vét Hào Thành sông Cụt, rồi dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung với việc xây dựng công viên trung tâm, cải tạo các hồ nước lớn trong thành phố… đến những việc “đau đầu” như cấp hàng ngàn sổ đỏ cho người dân, quy hoạch khu xử lý rác thải…
Tất cả đã thành hiện thực, không phải bằng sức mạnh siêu nhiên mà chính từ sự định hướng quy hoạch phát triển, đầu tư trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố, chính từ mồ hôi, công sức của người dân Thành Sen và người dân mọi miền trong tỉnh.
Dẫu biết Thành phố chưa phồn hoa, chưa sang giàu với nhiều cao ốc, các khu vui chơi giải trí quy mô và tầm cỡ, khu mua sắm sầm uất, khu công nghiệp, du lịch dịch vụ thu hút đông đảo du khách như các thành phố lớn khác, nhưng Thành phố quê tôi vẫn có nét duyên thầm đáng yêu mà những ai đã từng sống trong những phố nghèo vắng lặng ngày xưa, những ai gắn bó từng mỗi sáng, mỗi chiều ngày hôm nay trân trọng và yêu quý.
Dẫu biết rằng, con đường đến với văn minh, hiện đại không thể ngày một ngày hai, song, những gì mà Đảng bộ và nhân dân Thành phố làm được những năm qua sẽ là điểm xuất phát cho cuộc hành trình đi lên của Thành phố trẻ. Để mỗi sáng mai thức dậy, mỗi người dân đều cảm nhận được trong sự đổi thay có bàn tay và khốc óc của mình và càng thấy yêu thêm mỗi con đường, tuyến phố đang vươn mình rạng rỡ trong nắng sớm Thành Sen.