Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Dự thảo quy hoạch hệ thống điểm bưu điện - văn hóa xã gắn với xây dựng nông thôn mới nhìn chung còn sơ sài, chưa xứng tầm nên phải tiếp tục điều chỉnh bổ sung.
Theo dự thảo quy hoạch hệ thống điểm bưu điện - văn hóa xã gắn với xây dựng nông thôn mới, các điểm bưu điện – văn hóa xã thời gian qua đã có nhiều đổi mới. Toàn tỉnh hiện có 230 điểm, trong đó, 185 điểm được cải tạo sửa chữa, 161 điểm được triển khai mô hình kinh doanh đa dịch vụ.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Kiên Cường báo cáo dự thảo quy hoạch.
Tại các điểm bưu điện – văn hóa xã, ngoài các dịch vụ bưu chính - viễn thông truyền thống, đã có thêm nhiều dịch vụ tiện lợi cho người dân đang được cung cấp như: Dịch vụ hành chính công; dịch vụ chuyển tiền; bảo hiểm bưu điện; tiết kiệm bưu điện; truyền hình vệ tinh; hàng tiêu dùng; đọc sách báo; Internet…
Với các dịch vụ hiện có, các nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống, nhu cầu được xem, nghe, nhìn, giải trí được đáp ứng khá đầy đủ. Đây là một trong những thành công trong việc phổ cập dịch vụ của ngành Bưu điện đến nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, nông thôn.
Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ngô Đình Long: Quy hoạch chưa khảo sát đúng thực tế; cần đánh giá rõ hơn hiện trạng của các điểm bưu điện - văn hóa xã.
Tuy nhiên, nhiều điểm bưu điện – văn hóa xã sau quá trình lịch sử để lại đã xuống cấp, khuôn viên chật chội, vị trí không phù hợp cho việc giao dịch của nhân dân và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của chính quyền cấp xã. Việc xây dựng quy hoạch điểm bưu điện – văn hóa xã nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã, đưa điểm bưu điện – văn hóa xã thật sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương, là nơi kết nối các dịch vụ hành chính công giữa người dân và chính quyền các cấp, đáp ứng các nhu cầu về sử dụng các sản phẩm thiết yếu với chất lượng tốt phục vụ cho nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh: Về hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất, Kỳ Anh hiện vẫn đang còn nhiều điểm bưu điện văn hóa xã cần tu sửa, xây dựng lại; cần rà soát kỹ và có phương án thu hút nguồn lực.
Đồng thời làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo phát triển bưu chính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành trong tỉnh, đảm bảo đầu tư phát triển bưu chính đạt hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet công cộng, dịch vụ hành chính công tại vùng nông thôn, miền núi của tỉnh.
Dự thảo quy hoạch đưa ra các phương án quy hoạch gồm: Xem xét chuyển đổi hình thức phục vụ và xem xét chuyển đổi vị trí cũ, xây dựng mới điểm bưu điện – văn hóa xã đối với các điểm không phù hợp, đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện cho từng năm, từng giai đoạn đối với cơ sở hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ, nguồn nhân lực…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình: Quy hoạch cần mở rộng hơn và chỉ rõ được những vấn đề cần hỗ trợ trong xây dựng, phát triển điểm bưu điện - văn hóa xã.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, thời gian gần đây, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực xây dựng và phát triển bưu điện – văn hóa xã, có thêm nhiều dịch vụ tiện lợi cho người dân, song, hoạt động của các điểm bưu điện – văn hóa xã nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn.
Theo lộ trình của Chính phủ sẽ quy định việc bưu điện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, do đó, vai trò của doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn hơn. Trước thực trạng nhiều điểm bưu điện vẫn chưa được bố trí thuận lợi, cơ sở vật chất xuống cấp cần sớm triển khai sửa chữa, thay đổi vị trí.
Về dự thảo quy hoạch hệ thống điểm bưu điện - văn hóa xã gắn với xây dựng nông thôn mới, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn sơ sài, chưa xứng tầm nên phải tiếp tục điều chỉnh để sớm triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bưu điện tỉnh sớm hoàn thành văn bản để trình UBND tỉnh. Việc xây dựng cần khảo sát, đánh giá, phối hợp với chính quyền các địa phương và tranh thủ ý kiến của các ngành.