Nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhấn mạnh: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

Nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc

Gia đình hạnh phúc khi các cặp vợ chồng biết ứng xử hài hoà giữa giá trị truyền thống và hiện đại (Trong ảnh là gia đình hạnh phúc của chị Lê Thị Thiên ở phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh)

Từ xưa đến nay, trong hình thái xã hội nào, với người Việt, gia đình luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu. Mối quan hệ gia đình trong văn hóa của người Việt không chỉ dừng lại ở hôn nhân hay huyết thống mà còn là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện các thế hệ. Ở đó, các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Chính vì thế, người Việt rất coi trọng gia đình.

Mỗi gia đình có những đặc điểm riêng, có những “quỹ đạo” vận động riêng, tuy nhiên, gia đình truyền thống của người Việt đều rất coi trọng gia đạo, gia phong và gia lễ. Việc coi trọng các giá trị văn hóa đó đã tạo nên các thế hệ con cháu luôn lấy đạo hiếu làm đầu.

Mỗi gia đình cũng nhờ đó có những nền nếp gia phong và những nghi lễ riêng. Văn hóa gia đình truyền thống là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách và bản lĩnh, trí tuệ, giúp mỗi thành viên đều dễ dàng hòa nhập với đời sống xã hội; góp phần xây dựng nên giá trị xã hội.

Đời sống hiện đại ngày nay, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, gia đình Việt phải đối mặt với nguy cơ bị mai một các giá trị truyền thống, gây nên những ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn hóa xã hội. Nhận thức, quan điểm của một bộ phận Nhân dân về gia đình có nhiều thay đổi khiến cho những biến đổi về gia đình Việt ngày càng trở nên rõ nét hơn.

Trong nhịp độ mới của đời sống, con người trở nên tự chủ hơn, năng động hơn. Tinh thần tự do, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi đã phá vỡ hình thái gia đình tứ đại, tam đại đồng đường. Thay vào đó là những gia đình hạt nhân, chỉ có cha mẹ và con.

Nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc

Trẻ được sống trong môi trường tốt sẽ biết yêu thương, đùm bọc nhau.

Mô hình ấy khá phù hợp với nhịp sống hiện đại khi không bị mất quá nhiều thời gian và việc thực hiện những lề lối, nền nếp gia phong. Tuy nhiên, mô hình như thế cũng khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình giảm bớt phần khăng khít. Điều đó cũng tác động đến việc trao truyền giữa các thế hệ, khiến việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình bị giảm sút.

Để tránh tình trạng đó, nhiều gia đình, trong điều kiện của mình đã tổ chức cho con cái sống quây quần. Tuy tách riêng từng gia đình nhưng lại ở gần nhau để gìn giữ mối liên kết. Ở đó, vai trò của người đứng đầu (cha mẹ hoặc anh/chị cả) được tôn trọng, nêu cao. Họ vẫn có những quy ước nội bộ, vừa đảm bảo tính riêng tư, vừa đảm bảo sự gắn kết.

Ông Nguyễn Bình ở phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gia đình tôi có 3 người con, chúng đều sống rất tình cảm và trách nhiệm. Thật may mắn là tuy ở thành phố nhưng gia đình tôi vẫn đủ điều kiện để các con sống gần bố mẹ. Vào mỗi cuối tuần, chúng tôi lại có những buổi sinh hoạt gia đình, từ đó, những chuyện riêng - chung được chia sẻ, tháo gỡ. Các con cháu tôi sống đoàn kết, thương yêu nhau”.

Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, quan hệ đó đã có một số biến đổi theo chiều hướng xấu. Tình trạng nhiều người trẻ hướng đến cuộc sống độc lập, không ràng buộc quá sâu với các mối quan hệ gia đình, họ hàng ngày càng nhiều.

Nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc

Những giá trị truyền thống của gia đình Việt được duy trì là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, trí tuệ, tâm hồn cho con trẻ (Trong ảnh là gia đình hạnh phúc của chị Dương Kiều Oanh ở Thạch Hưng - TP Hà Tĩnh)

Cuộc sống hiện đại mang đến cho con người những lợi ích về kinh tế nhưng cũng không ít gia đình lại vì mải mê kiếm tiền mà bỏ rơi cha mẹ, con cái. Không ít người con bất hiếu với cha mẹ. Tình trạng anh em so đo, tính toán chuyện chăm sóc cha mẹ không còn là hiện tượng lạ, hay những đứa con lớn lên trong sự chăm sóc của người giúp việc...

Ở một mức độ suy thoái cao hơn là bạo hành gia đình. Không chỉ bạo hành về thể xác và tinh thần giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái mà còn có tình trạng con cái bạo hành cha mẹ. Tình trạng bạo lực dẫn đến những vụ án hình sự trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội.

Gia đình, với một số người, không còn là mái ấm, là bến đỗ bình yên, mà là một nỗi kinh hoàng. Đặc biệt, tình trạng này gây tác động xấu đến sự hình thành nhân cách, tâm hồn của trẻ em. Không ít trẻ em vì chứng kiến cha mẹ bạo hành nhau mà mất niềm tin, sa vào các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật.

Trong bối cảnh mới của thời kỳ hội nhập quốc tế, văn hóa gia đình Việt đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cùng với những giá trị mới được sinh ra, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình bị mai một.

Để gìn giữ sự bền vững của gia đình thì chính mỗi cá nhân phải hài hòa được các mối quan hệ trong gia đình và xã hội; hài hòa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời biết chọn lọc để tiếp nhận những giá trị văn hóa mới.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.