Nhà văn Đức Ban (TP Hà Tĩnh): “Khai bút đầu năm mang sứ mệnh đem đến hy vọng, ước mơ, niềm tin vào tương lai”
Nhà văn Đức Ban.
Trong nhiều phong tục cổ truyền của tết Nguyên đán như cúng ông Công, ông Táo, gói bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả, chơi hoa, cúng tất niên, đón giao thừa, mừng tuổi, khai bút... thì phong tục khai bút xuất hiện muộn hơn và gần như chỉ giới hạn trong giới nho sỹ.
Khai bút đã trở thành nét đẹp văn hóa được gìn giữ, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, tết này sang tết khác bất chấp mọi thăng, trầm của lịch sử. Cứ sau giao thừa, khoảnh khắc khép lại năm cũ, mở ra năm mới, người khai bút chọn một giờ tốt, ăn mặc tề chỉnh, ngồi ngay ngắn trước bàn, trong mùi trầm thoang thoảng, cầm bút viết lên trang giấy trắng con chữ đầu tiên diễn đạt suy nghĩ đầu tiên, xúc cảm đầu tiên, ý tưởng đầu tiên của mình trước thềm năm mới. Cái phút giây con chữ hiện lên ấy là một đặc trưng văn hóa độc đáo, thiêng liêng và vô cùng quý báu của con người.
Ngày nay, khai bút phổ biến trong giới văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên... nó thực hiện sứ mệnh đem hy vọng, ước mơ, niềm tin vào tương lai đến cho con người.
Thầy Thích Nghiêm Thuận - Trưởng ban Truyền Thông Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Thọ: “Khai bút mong đại chúng đón mừng năm mới tràn đầy hoan hỷ, sở cầu như nguyện”.
Thầy Thích Nghiêm Thuận.
Theo sử sách ghi lại, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh người thầy giáo Chu Văn An - không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học. Khai bút đầu năm không chỉ với mong muốn cho việc khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ và thành công.
Sau lễ “trừ tịch” vào thời khắc giao thừa, thầy cũng khai bút đầu năm với những câu chữ ước nguyện cho năm mới. Trong khoảnh khắc khép lại một năm cũ, hướng đến một năm mới với nhiều hy vọng tươi sáng, thầy ước vọng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc, đất nước thanh bình, Nhân dân an lạc.
Mong đại chúng đón mừng năm mới Giáp Thìn 2024 trong ý nghĩa của mùa xuân Di Lặc tràn đầy hoan hỷ, sở cầu như nguyện.
Em Lê Thị Thanh Huyền (lớp 11H, Trường THPT Lê Hữu Trác, Hương Sơn): “Khai bút tạo hứng khởi, năng lượng học tập”
Em Lê Thị Thanh Huyền.
Khai bút đầu năm là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta. Theo thời gian, em thấy tục khai bút có nhiều thay đổi, không chỉ gắn với cây bút, trang giấy mà đôi khi khai bút còn là viết nốt nhạc, sáng tác văn thơ trên máy tính... Là học sinh, khi khai bút đầu năm, em viết những lời chúc tết hoặc mục tiêu học tập cho năm mới để lấy đó làm động lực phấn đấu.
Mỗi năm, em thường chọn khai bút vào ngày mồng 3 tết. Theo quan niệm ông bà ta xưa nay có câu “Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, bởi vậy, khai bút vào mồng 3 em mong muốn những điều tốt đẹp trong học tập và mong muốn phát huy truyền thống “tôn sự trọng đạo” của dân tộc ta. Việc khai bút đầu xuân giúp em thấy hứng khởi, có nhiều năng lượng tích cực để bắt đầu một năm mới và đạt mục tiêu mình đề ra trong năm học.
Anh Đào Văn Hoan - người viết thư pháp ở thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà): “Khai bút gắn với xin chữ, cho chữ đầu năm”
Anh Đào Văn Hoan.
Tôi đam mê môn nghệ thuật thư pháp từ hồi còn là học sinh, sinh viên. Đến năm 2012, tôi mới có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môn nghệ thuật này. Vì vậy, với tôi, khai bút đầu năm là việc làm rất ý nghĩa. Gắn với khai bút còn là xin, cho chữ đầu năm. Điều đó thể hiện trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng mong muốn xin con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Cũng như những năm trước, năm nay, tôi khai bút vào sáng mồng 1 tết. Sau khi khai bút viết chữ cho chính mình tôi dự định sẽ đi chùa và nếu mọi người có nhu cầu tôi sẽ cho chữ đầu năm. Mong rằng, với tâm huyết và tấm lòng của tôi, những nét chữ tôi viết ra sẽ góp phần mang may mắn đến cho người xin chữ.