Từ giữa tháng 7 đến tháng 9/2024, cơ quan quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng mở đợt cao điểm tuyên truyền, giải tỏa hành lang an toàn giao thông ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, thống kê các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng, nhà ở, mái che, mái tôn cơi nới, tường rào, biển quảng cáo, để vật liệu xây dựng, điểm rửa xe, điểm bày bán hàng hóa, họp chợ… ra khỏi phạm vi hành lang ATGT.
Sau thời gian cho phép tự nguyện tháo dỡ nhưng các hộ dân, tổ chức không thực hiện, lực lượng chức năng ra quân thực hiện cưỡng chế giải tỏa các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, phương tiện tham gia giải tỏa.
Việc ra quân giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang ATGT, bảo đảm đường thông, hè thoáng góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), từng bước khắc phục, xử lý một số điểm tiềm ẩn TNGT, ùn tắc giao thông…
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã ra quân giải tỏa hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ (QL) tới đường tỉnh, huyện, liên xã, trong đó có những tuyến giao thông trọng điểm như: QL 1, QL 15, 15B, đường Hồ Chí Minh, QL 8, QL 12C…
Tại các tuyến giao thông, ngành chức năng đã chặt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, các khúc cua hẹp bị cây cối che khuất; tháo dỡ, thu giữ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, ô dù lấn chiếm hành lang ATGT; cho người dân ký cam kết không tái lấn chiếm hành lang ATGT…
Trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan quản lý đường bộ luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn và kiên quyết xử lý đối với những trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT.
Tuy vậy, chỉ thời gian sau, việc lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ lại xuất hiện, tái diễn. Không chỉ lấn chiếm hành lang, lòng đường làm nơi buôn bán, họp chợ, người dân còn biến nhiều đoạn đường thành sân phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản, tập kết nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng. Thậm chí có trường hợp cố tình xây dựng trái phép các công trình dân sinh hoặc dựng cột điện trên hành lang ATGT.
Ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT đánh giá, nguyên nhân chính của việc vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ xuất phát từ ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, cố tình lấn chiếm hành lang ATGT.
Dù chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành lang ATGT đã được quy định rõ ràng song thực hiện chưa mạnh tay, nhất là đối với những trường hợp bày bán hàng tùy tiện theo kiểu chợ cóc, chợ họp lấn đường hoặc phơi, rơm rạ trên đường...
Cùng với đó, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm nhiều tới công tác giải tỏa xử lý vi phạm và giữ gìn bảo vệ hành lang ATGT. Có địa phương tổ chức ký cam kết không vi phạm với các hộ dân nhưng lại không thường xuyên kiểm tra, theo dõi dẫn đến tỷ lệ tái vi phạm, tái lấn chiếm. Công tác phối hợp giữa các địa phương trong thực hiện lập lại trật tự vỉa hè, hành lang ATGT chưa được thường xuyên.
Ông Võ Trường Giang - Trưởng Văn phòng quản lý đường bộ II.3 (Khu Quản lý đường bộ II - Cục Đường bộ Việt Nam) nhìn nhận: Để việc xử lý lấn chiếm hành lang ATGT theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó, sự quan tâm của chính quyền địa phương chính trong tuyên truyền vận động, giám sát, xử lý vi phạm là “chìa khóa” lập lại trật tự hành lang ATGT.
Ông Nguyễn Văn Tân - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, thực tế cho thấy việc chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, có sự giám sát sau khi xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT, kết quả đạt được rất tốt, đơn cử như ở TP Hà Tĩnh.
Thời gian trước, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT xảy ra tràn lan trên tuyến giao thông ở TP Hà Tĩnh. Khi địa phương ra quân xử lý và sau đó bàn giao trách nhiệm quản lý cho từng đơn vị, xã phường quản lý, tình trạng tái lấn chiếm gần như không xảy ra, kỷ cương đô thị được giữ vững.
“Việc đề cao trách nhiệm, sự chủ động của chính quyền địa phương trong chỉ đạo lực lượng chức năng giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT có vai trò rất quan trọng. Cùng với đó, việc xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang ATGT dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết là điều rất cần thiết”, ông Nguyễn Văn Tân cho hay.