Không gian rợp bóng cây xanh trước cổng vào Khu di tích Nguyễn Du
Mùa thu ở Tiên Điền không nhuốm màu “quan san” từ những rừng phong như trong câu Kiều của Nguyễn Du. Điểm tô khí thu trên vùng quê nông thôn mới đang bừng sáng là chút tĩnh lặng đầy thi vị của hàng liễu xanh rũ bóng xuống dòng kênh phẳng lặng trước khu di tích đại thi hào.
Trong căn phòng làm việc chất đầy những tư liệu nghiên cứu về Tiên Điền, dòng họ Nguyễn và tác gia Truyện Kiều, ông Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Quản lý di tích Nguyễn Du pha ấm trà Ô Long mời khách. Ngày dịch, khu di tích vắng người đến, hương trà thơm lan ra khắp căn phòng. Đối ẩm với tôi lúc này không phải là một người quản lý hành chính di tích, mà là một người yêu văn hóa, say mê nghiên cứu những giá trị lịch sử.
Khu di tích Nguyễn Du là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến cuộc đời và thân thế của Đại thi hào. (Trong ảnh: Bộ đồ uống rượu Nguyễn Du thường dùng khi ở Tiên Điền)
Ông Hồ Bách Khoa chia sẻ: “Gần 10 năm gắn bó với Tiên Điền, chủ trì làm 5 bộ sách về dòng họ Nguyễn và Đại thi hào Nguyễn Du nhưng càng ngày tôi càng thấy hiểu biết của mình còn giới hạn. Giá trị di sản của dòng họ Nguyễn cũng như trầm tích văn hóa của miền đất Tiên Điền đối với lịch sử dân tộc là rất lớn”. Trong cử chỉ nho nhã, lịch thiệp và giọng nói âm sắc trầm xuống, ông Khoa giúp tôi quay ngược thời gian tìm về một “miền Tiên Điền” thuở khai địa, lập làng.
Sẽ rất khó để xác định vùng đất Tiên Điền được hình thành từ bao giờ phía sau sự vận động kiến tạo địa chất của lớp vỏ trái đất. Nhưng qua những di chỉ phát hiện được, có thể khẳng định dải đất đã được bồi lắng bởi dòng sông Lam và con người có mặt ở đây từ rất sớm. Dẫu vậy, Tiên Điền trở thành một địa danh ghi tên mình vào địa đồ đất nước như ngày nay, phải nhắc đến công trạng của dòng họ Nguyễn, bắt đầu từ vị thủy tổ Nguyễn Thuyến.
Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng Ban quản lý di tích Nguyễn Du: “Giá trị di sản của dòng họ Nguyễn Tiên Điền rất lớn”
Theo cuốn “An Tĩnh cổ lục”, công trình nghiên cứu địa phương chí của học giả Hippolyte Le Breton (Pháp) thì dòng họ Nguyễn bắt đầu đến Tiên Điền từ thế kỷ XVI. Người sáng lập ra dòng họ quyền thế này là Nguyễn Thuyến, Thư Quận công sống vào thế kỷ XVI. Người này được phong thái ấp Tiên Điền do có nhiều công trạng với nhà Lê.
Hồi ấy, Tiên Điền là một vùng đất ngập nước, mỗi lần thủy triều lên là nước mặn của Cửa Hội tràn vào nên không thể trồng trọt được. Nhờ những vị tiền bối họ Nguyễn đầu tiên (trong đó, công lớn phải kể đến Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm - sau này được suy tôn Thành hoàng làng) đắp đê ngăn mặn, Tiên Điền đã biến thành vùng đất có ruộng tốt và phát triển trù phú.
Từ vị thủy tổ người gốc làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Nam (nay là huyện Thanh Oai, Hà Nội), dòng họ Nguyễn qua nhiều thế hệ đã làm rạng danh quê hương Tiên Điền cũng như vùng đất núi Hồng, sông Lam bằng con đường khoa bảng, văn chương.
Nhà thờ Nguyễn Nghiễm vừa mới được trùng tu, tôn tạo
Chỉ trong 2 triều đại Lê - Nguyễn (thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX), dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã đóng góp cho đất nước 1 hoàng giáp, 4 tiến sỹ, 1 phó bảng cùng hàng chục vị đỗ cống sinh, tú tài khác… Đặc biệt, dòng họ Nguyễn Tiên Điền có 2 người là cha con làm đến chức Tể tướng triều đình là Nguyễn Nghiễm (1708-1775) và con là Nguyễn Khản (1734-1786). Câu ca dao “Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Sông Rum (Lam) hết nước, họ này hết quan” đã nói lên thời kỳ hoàng kim của dòng họ Nguyễn.
Song song với con đường khoa bảng, dòng họ Nguyễn cũng giúp Tiên Điền có một nền văn chương nghệ thuật vang danh lừng lẫy, với nhiều nhà văn, thi nhân mang tầm vóc lớn. Điển hình là Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Hành (cháu Nguyễn Du) với nhiều tác phẩm đặc sắc được mệnh danh là “An Nam ngũ tuyệt” (5 tác giả xuất chúng của đất Việt)… Trong đó, Nguyễn Du là tác gia nổi bật với một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả chữ Hán lẫn chữ nôm, và Truyện Kiều là thi phẩm vượt tầm thời đại với những giá trị cho muôn đời.
Một góc thị trấn Tiên Điền ngày nay
Rời Khu di tích Nguyễn Du, tôi đến với không khí mùa thu tháng tám đang bừng lên trên những đường phố và trụ sở hành chính của UBND thị trấn Tiên Điền bởi sắc cờ hoa. Ông Trần Văn Thuận - Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền bày tỏ: “Trải qua một tiến trình lịch sử từ thuở khai địa, lập làng, để có được thị trấn phát triển như ngày hôm nay, bao thế hệ chúng tôi đều ghi nhớ công ơn của các vị tiền bối. Trong đó, dòng họ Nguyễn có công rất lớn khai sinh ra Tiên Điền hôm nay. Khu di tích Nguyễn Du, nơi lưu giữ những di sản về dòng họ Nguyễn, về Nguyễn Du và Truyện Kiều không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh nói chung mà còn là điểm tựa để Tiên Điền nỗ lực phát triển KT-XH, xây dựng địa phương thành miền quê đáng sống trong chiến lược phát triển tương lai”.
Không còn là một làng quê bé nhỏ, sau khi sáp nhập với thị trấn Nghi Xuân vào tháng 1/2020 và đổi tên, thị trấn Tiên Điền hôm nay khá rộng lớn với diện tích 5,05 km2, dân số hơn 5.600 người. Cùng với địa giới hành chính được mở rộng, dân số lớn hơn, Tiên Điền cũng có một hệ thống hạ tầng cơ sở bề thế, khang trang nhờ nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới; đời sống KT-XH phát triển, mức sống của người dân được nâng cao.
Khu di tích Nguyễn Du nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu của Đậu Hà)
Đặc biệt, những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy qua việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm, CLB trò Kiều để trao truyền cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn thị trấn có 4 trường học các cấp khang trang, trong đó, ngôi trường THPT mang tên Đại thi hào Nguyễn Du có nhiều bề dày thành tích trong đào tạo học sinh giỏi...
Chia tay Tiên Điền trong một chiều thu, rời mắt khỏi nét tĩnh lặng uy nghiêm của Khu di tích Nguyễn Du, tôi hòa vào xôn xao của những con đường cờ hoa reo vui trong nắng. Trong 190 năm mùa thu Hà Tĩnh và 76 năm mùa thu cách mạng của đất nước, Tiên Điền luôn ghi tên mình với nhiều thành tích. Và ngày nay, Tiên Điền - “trái tim” của Nghi Xuân vẫn rộn ràng những nhịp đập mạnh mẽ hòa vào khí thế xây dựng, phát triển của quê hương Hà Tĩnh nói riêng và đất nước nói chung.