Sau nhiều năm lẩn trốn, cuối cùng bị cáo Bạch Đình Sửu đã phải nhận lấy mức án 2 năm tù giam vì hành vi đe dọa sức khỏe, tính mạng người khác.
2 năm tù giam là mức án cuối cùng hội đồng xét xử đã tuyên đối với bị cáo Bạch Đình Sửu (SN 1974, trú xã Hòa Hải, Hương Khê). Y đón nhận phán quyết của tòa án với gương mặt khá bình thản! Nhưng, vẻ bình tĩnh bên ngoài chẳng thể che lấp được nỗi giằng xé trong nội tâm của người đàn ông vừa bước qua tuổi 40.
Theo cáo trạng được công bố, khoảng 15h30’ ngày 12/6/2015, Bạch Đình Sửu cùng Trần Khoa Diện, Nguyễn Viết Phú (trú xã Hòa Hải) chúc tụng nhau bên bàn rượu. Thấy anh Phạm Xuân Dương dắt theo bò đi qua, Diện hỏi giá mua nhưng không được đáp lại. Cay cú vì nghĩ bạn “khinh thường”, Phú nhổ cọc rào tre rồi bảo Sửu điều khiển xe máy đuổi theo, đánh liên tiếp vào người anh Dương khiến nạn nhân sợ hãi bỏ chạy.
Hai kẻ côn đồ vẫn không buông tha, sau khi đuổi kịp anh Phạm Xuân Dương, Phú tiếp tục đấm, đá vào người anh Dương. Một người hàng xóm can ngăn cũng bị Sửu đánh. Theo kết quả giám định pháp y, anh Dương bị gãy cung sau xương sườn 8, 9 bên phải; tổn thương nhu mô phổi trái; tràn dịch màng phổi; mô dẫn lưu màng phổi trái. Mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân là 13%.
Hay tin đồng phạm Nguyễn Viết Phú bị bắt và phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích, Bạch Đình Sửu sợ hãi bỏ trốn, hòng lẩn tránh sự trừng trị của luật pháp. Tuy vậy, lưới trời khó thoát, khi đang lẩn trốn tại khu vực rừng núi biên giới Việt – Lào, kẻ phạm tội đã bị lực lượng chức năng vây bắt vào cuối tháng 8. Sau khi sử dụng rựa chống trả quyết liệt nhưng không thành, Sửu đã bị dẫn giải về trụ sở Công an huyện.
Đại diện Viện kiểm sát vừa kết thúc bản kết tội bị cáo, hội trường xét xử vang lên tiếng xì xầm, chỉ trích. “Chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo đã cùng bạn mình hung hăng dùng hung khí đuổi đánh tôi. Giả sử, nếu sự việc nào đó phức tạp hơn, thử hỏi, mức độ nghiêm trọng bị cáo gây ra cho sức khỏe, tính mạng những người khác sẽ như thế nào? Kính mong quý tòa xem xét để kẻ phạm tội phải bị trừng trị, tôi đòi lại được quyền lợi chính đáng và trả lại sự bình yên cho xã hội” – anh Dương nói.
Bạch Đình Sửu tỏ ra khá điềm tĩnh đón nhận thái độ bức xúc từ phía người nhà bị hại. Suốt phiên tòa, bị cáo hầu như không có ý kiến tranh luận, hoàn toàn đồng tình với tội danh và mức hình phạt đại diện Viện Kiểm sát đề nghị. Trong lời nói cuối cùng tại phiên xét xử, nước mắt đã lăn dài trên gương mặt người đàn ông tội lỗi.
Bị cáo bộc bạch như trút hết cả ruột gan. Cha, mẹ đều đã mất, đến cả người bạn đời đã từng thề non hẹn biển, sống đến đầu bạc, răng long cũng bỏ rơi bị cáo. Những mất mát, tan vỡ trong tình cảm khiến bị cáo thay tính đổi nết, trở thành con người cục cằn, thô lỗ. Bạch Đình Sửu thừa nhận, đôi khi, bị cáo không thể kiểm soát được hành động của bản thân khiến người khác bị liên lụy.
“Bị cáo thành thật xin lỗi anh Dương và gia đình, xin tòa xem xét cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất. Bị cáo hứa, sẽ không bao giờ tái phạm!” - Sửu hướng ánh mắt cầu khẩn về phía người nhà bị hại và hội đồng xét xử.
Vụ án khép lại nhưng đằng sau bản án còn bao điều khiến người dự phiên tòa phải day dứt, trăn trở. Liệu, 24 tháng tù giam có đủ thức tỉnh lương tri Bạch Đình Sửu để bị cáo biết đứng dậy sau một lần vấp ngã? Đó không chỉ là bài học đối với kẻ coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe của người khác mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai không kiềm chế được bản thân, không có hướng xử lý, giải quyết đúng đắn khi gặp vướng mắc trong cuộc sống.