Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ quốc tế và trong nước để chủ động phương án, giải pháp ứng phó kịp thời; phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành chính sách, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Đẩy mạnh sản xuất trên tất cả các ngành
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển sản xuất; rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp làm căn cứ áp dụng chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi.
Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; bảo đảm đủ nhu cầu điện, điều tiết nước cho sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu; tập trung xử lý các dự án thua lỗ, không hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương có giải pháp bảo đảm lực lượng lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp; nắm tình hình đời sống Nhân dân trong mùa giáp hạt để có biện pháp cứu trợ kịp thời.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu của năm mới; động viên toàn xã hội tin tưởng, quyết tâm chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực tại các lễ hội
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả việc thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí, bảo đảm an toàn cho du khách; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án về hạ tầng giao thông. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bảo đảm an toàn kỹ thuật các phương tiện, chất lượng dịch vụ, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa lễ hội.
Đồng thời, Bộ Công an chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chú trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm; tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy nổ; tổ chức tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.