Một chiều tháng sáu năm 2020, trong một cuộc gặp gỡ với các văn nhân tại Nghi Xuân, tôi đã có cơ hội được lên du thuyền Giang Đình cổ độ với lời mời gọi: “Du thuyền sẽ cho bạn được đắm mình trong một không gian Nghi Xuân mới”.
Thấy tôi đứng đầu mũi thuyền, anh Trần Quốc Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn - Giang Đình đến bên chạm ly.
- Đẹp quá anh ạ!
- Đây là “Đan Nhai quy phàm” một trong Nghi Xuân bát cảnh đó em!
Du thuyền Giang Đình cổ độ. Ảnh tư liệu Đậu Hà
Tôi nhìn du thuyền xuôi về Cửa Hội, ngẫm nghĩ mãi về “Đan Nhai quy phàm”. Theo các nhà địa phương học thì những buổi chiều tà, thường có ráng chiều tím đỏ, thuyền chài rộn ràng Cửa Hội, từ ngoài biển xa nhìn vào, ánh mặt trời chiếu chếch xuống mặt nước sóng vỗ dập dờn, làm phản chiếu lên một dải cửa sông thuyền buồm, sóng nước màu rực hồng rất đẹp. Bởi thế, “Đan Nhai quy phàm” (buồm về cửa biển Đan Nhai) được chọn là một trong tám cảnh đẹp của vùng đất Nghi Xuân.
Cư ngụ trên một thế đất quý, Nghi Xuân tự hào có 8 cảnh đẹp nổi tiếng: Hồng Sơn liệt chướng (Núi Hồng dựng thành), Đan Nhai quy phàm (Buồm về Cửa Hội), Song ngư hý thủy (Đôi cá giỡn nước), Cô độc lâm lưu (Nghé lẻ lội rào), Giang Đình cổ độ (Bến cũ Giang Đình), Quần Mộc bình sa (Bãi cát bằng Quần Mộc), Uyên Trừng danh tự (Chùa đẹp Uyên Trừng), Hoa Phẩm thắng triền (Chợ đẹp Hoa Phẩm)… Nhưng rồi, trải sương gió thời gian, chiến tranh loạn lạc, những địa điểm đó dần bị lãng quên, bị vùi lấp, nhiều nơi chỉ còn lại trong tiềm thức.
Hoàng hôn rơi trên sông Lam gợi cảm giác yên bình khi những con đò vạn chài của những ngư dân Nghi Xuân buông chèo ngơi nghỉ sau một ngày dài mệt nhọc. Ảnh: Khánh Thành
Chiều dần buông. Du thuyền Giang Đình cổ độ lúc này đã dập dìu du khách. Đêm nay, chúng tôi xuôi dòng sông Lam trong những làn điệu ca trù, dân ca ví giặm, lẩy Kiều, trò Kiều ...
Thuyền ra giữa dòng. Mọi ồn ã dường như lắng xuống. Bây giờ tôi mới nhận ra điều mà người bạn ở thành Vinh đã nói về nỗi lặng im đẹp đẽ khi hoàng hôn xuống trên sông và bóng tối lan dần. Tôi đứng đầu mũi thuyền nhìn lên mạn cầu Bến Thủy đón ánh hoàng hôn chín rực phía chân trời, một Nghi Xuân khác đã hiện ra trong bàng bạc khói chiều và sự yên lặng đến tĩnh tại như thể chúng tôi đang lạc vào một vùng mơ hồ liêu trai nào đó. Nhất là khi nhìn xa về phía núi Hồng Lĩnh chìm giữa những đám mây mờ, bất chợt nhận ra bóng mây bóng núi in hình trên nước như ảo ảnh. Bỗng một câu thơ được ngân lên: “Lam thủy, hồng sơn vô hạn thắng/ Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm”.
Đó là câu thơ trong bài thơ Phúc thực đình của cụ Nguyễn Du. Hai câu thơ đó được hiểu nôm na rằng: Sông Lam, núi Hồng đẹp vô cùng khiến người ta tha hồ nhặt nhạnh đề tài để mà ngâm vịnh. Cụ Nguyễn thật quá tài tình, khi chỉ hai câu thơ đó đã nói lên được trọn vẹn vùng đất và con người Nghi Xuân vốn đầy trầm tích.
Đến Nghi Xuân, du khách sẽ được đắm mình trong những điệu ca trù xưa cổ. Ảnh tư liệu của Đậu Hà
Ngược lại lịch sử huyện Nghi Xuân, năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ đất nước, vùng đất này thuộc phủ Đức Quang (gồm cả Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Thanh Chương, Nghi Lộc) được xem là “địa linh nhân kiệt” của Xứ Nghệ. Trong thời kì phong kiến, Nghi Xuân có 21 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Nguyễn Tiên Điền, Ngụy Khắc, Trần, Phan, Uông, Đậu... và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Tiên Điền, Uy Viễn, Cương Gián, Cổ Đạm, Tả Ao, Phan Xá...
Lịch sử 550 năm với bao thăng trầm của Nghi Xuân gắn với quá trình hình thành miền quê giàu truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của người Việt cổ, vùng đất ba mặt sông - núi - biển này đã trở thành vị trí chiến lược quân sự không những của vùng Nghệ Tĩnh mà còn là cả nước.
Và cứ thế trải qua bao biến cố thăng trầm, Nghi Xuân vẫn luôn là mảnh đất rạng danh cho Hà Tĩnh. Lợi thế của Nghi Xuân nằm trong thế tam hợp châu tuần của núi, sông và biển đã tạo nên một vùng quê non nước hữu tình, có nhiều danh thắng và nhiều di tích lịch sử văn hoá (với trên 200 di tích văn hóa - lịch sử, đã có 83 di tích được cấp bằng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, trong đó 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 74 di tích cấp tỉnh). Đây là một vùng đất bất cứ ai khi đặt chân đến đều không khỏi ngạc nhiên và tò mò không hiểu vùng đất làm nên con người hay chính những con người nơi đây đã làm rạng danh cho vùng đất.
Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du - Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh Đậu Hà
Sự tương sinh đó đã sản sinh ra những danh nhân nổi tiếng như: Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ hay những con người kì tài được dân gian đời đời truyền tụng như: Thánh sư địa lý Tả Ao, thợ khắc đá tài hoa Hà Thiềm… Tất cả đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử huyện Nghi Xuân bằng những sáng tạo văn hóa tinh thần và vật chất mà cho đến ngày nay, người dân nơi đây vẫn còn gìn giữ: một pho “Truyện Kiều”, một tiếng hát ả đào Cổ Đạm, một lễ hội cầu ngư Hội Thống… đã làm nên một Nghi Xuân đầy bản sắc. Bản sắc đó như mạch nguồn sâu lắng vẫn âm thầm chảy trong những thế hệ cư dân nơi đây.
Lặng nghĩ về truyền thống văn hóa của miền đất Nghi Xuân, tôi càng hiểu vì sao Đảng bộ Nghi Xuân đặt mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa trước năm 2025.
Nghi Xuân phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hoá gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Thành Nam
Tôi chợt nhớ lời chị Nguyễn Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông Nghi Xuân: “Từ khi thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đến nay, huyện đã thành lập được hơn 160 CLB văn nghệ dân gian với nhiều loại hình phong phú như ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, sắc bùa… Hằng năm, huyện đều tổ chức các cuộc thi hát dân ca để từ đó phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu hát dân ca ví, giặm… Đó là cách làm nhằm gìn giữ và phát huy những tinh hoa, di sản văn hóa từ ngàn năm cha ông để lại mà chúng tôi đang nhân rộng”.
Tôi nghĩ, đây chính là nền tảng vững chắc cho những dự án phát triển du lịch trên đất Nghi Xuân sớm được triển khai.
Trò Kiều - một trong những nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc đang được bảo tồn, phát huy ở Nghi Xuân. Ảnh Thiên Vỹ
Hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, tôi đã mường tượng rất nhiều khung cảnh của Nghi Xuân ngày mới. Những gương mặt bạn bè hiện lên với những công việc bình dị, lặng thầm. Những con đường, những ngôi làng đang ngày một đổi thay, phát triển.
Một diện mạo mới của miền đất cổ đã và đang hình thành từ bàn tay, khối óc và tình yêu quê hương của con người nơi đây... Và tôi cũng nghe trong lòng mình dậy lên một tình cảm thiết tha với miền đất nhiều duyên nợ với tâm hồn tôi....