25 năm công tác là 25 năm âm thầm, cần mẫn và hết lòng chăm sóc nơi an nghỉ của đồng chí Trần Phú, anh Lê Doãn Thắng - Trưởng ban Quản lý Khu di tích Trần Phú dường như đã trở thành người “trợ lý đặc biệt” của Tổng Bí thư kể từ khi quê hương Hà Tĩnh đón đồng chí “trở về”.
Cơ duyên trong nghề khiến tôi có nhiều dịp về với Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) và lần nào cũng vậy, đón chúng tôi cùng đoàn dâng hương, tham quan chưa bao giờ thiếu anh Lê Doãn Thắng. Vừa là người dẫn lễ, làm lễ cho đoàn, anh Thắng cũng là hướng dẫn viên, thuyết minh những câu chuyện đầy cảm xúc về Tổng Bí thư.
Anh Lê Doãn Thắng (SN 1975, quê Đức Thọ), hiện là Trưởng BQL Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú, cũng là người có thâm niên gắn bó lâu nhất với việc chăm sóc nơi an nghỉ Tổng Bí thư.
Năm 1999, khi hài cốt của đồng chí Trần Phú được di dời về an táng tại quê hương Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng là thời điểm anh Thắng được nhận về công tác tại Tổ di tích Trần Phú trực thuộc Bảo tàng tỉnh. Thời điểm đó, tổ chỉ có 2 cán bộ, đến năm 2002, số cán bộ được nâng lên là 4 người, từ 2014 đến nay là 8 người.
Gắn bó từ những ngày đầu với vai trò là nhân viên, anh Thắng nhớ lại: “Ban đầu cơ sở vật chất không có, khu vực này mới chỉ có khu mộ của Tổng Bí thư và các cụ thân sinh trên đồi Quần Hội (thuộc thôn Châu Linh - xã Tùng Ảnh). Địa hình gồ ghề, dốc cao và đường vào mộ chỉ là lối đi nhỏ qua vườn nhà dân. Thời điểm đó, chỉ có tôi cùng một người nữa làm nhiệm vụ trông coi, chăm sóc khu mộ và nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật của đồng chí Tổng Bí thư. Vì vậy, không ai nhắc ai, mỗi người đều nỗ lực thực hiện phần việc của mình và hỗ trợ đồng nghiệp mọi lúc”.
Tháng 1/2000, khu mộ Tổng Bí thư được khởi công xây dựng trên diện tích 47.000 m2 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú. Cũng trong quãng thời gian này (năm 2002 - PV) để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Quản lý Khu di tích Trần Phú (thuộc Sở Văn hóa - Thông tin nay là Sở VH-TT&DL) nhằm đưa các hoạt động chuyên nghiệp, nền nếp hơn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ý nghĩa cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú. Lúc này, anh Thắng vẫn là người được lựa chọn là thành viên của BQL và cùng với 3 đồng chí khác làm nhiệm vụ chăm sóc khu mộ Tổng Bí thư.
Tháng 1/2000, khu mộ Tổng Bí thư được khởi công xây dựng trên diện tích 47.000 m2 và hoàn thành vào tháng 4/2004, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú.
Khu mộ được xây dựng khang trang với diện tích rộng, đón hàng nghìn lượt khách đến tri ân, dâng hương cũng đồng nghĩa với việc khối lượng công việc của anh Thắng và đồng nghiệp nhiều lên bội phần. Dẫu vậy, ai ai cũng thấy hạnh phúc khi được đón nhiều đoàn khách và ngày ngày được chăm sóc nơi yên nghỉ của vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, người con anh hùng của quê hương. Và để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phục vụ tốt hơn cho công việc, năm 2016 anh Thắng theo học cao học ngành Lịch sử Việt Nam (Trường Đại học Vinh). Từ những kiến thức được học và niềm say mê với công việc của mình, anh dồn hết tâm huyết cho việc gìn giữ, phát huy, bảo tồn và quảng bá di tích.
Những nỗ lực không ngừng đó của anh được ghi nhận khi năm 2004, anh được bổ nhiệm là Phó Trưởng BQL Khu di tích và từ năm 2014 đến nay là Trưởng BQL. Dù đã là người quản lý từ hàng chục năm nay nhưng anh Thắng vẫn luôn coi mình như những nhân viên và ngày ngày cùng các đồng nghiệp hết vệ sinh khuôn viên lại đến nghiên cứu tài liệu để làm dày thêm những câu chuyện về Tổng Bí thư.
Ngoài kiến thức đã được học, những tài liệu đã được tìm hiểu, anh Thắng cũng chủ động mày mò, đối chiếu, so sánh các thông tin liên quan từ kho tư liệu lịch sử để hiểu sâu những câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư. Bởi vậy, những câu chuyện anh Thắng kể về Tổng Bí thư cứ kéo dài mãi, cuốn hút người nghe hàng giờ đồng hồ.
Chị Thái Thị Diệu Thuý (SN 1980), hướng dẫn viên Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú chia sẻ: “Anh Thắng vừa là người thầy, là người anh để tất cả cán bộ, nhân viên chúng tôi học hỏi, noi gương. Nhìn cách anh chăm chút khu mộ hay nghiên cứu các tài liệu về Tổng Bí thư, chúng tôi hiểu mình càng phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày”.
Không thể kể hết những năm tháng với hành trình dài anh Thắng cùng các đồng nghiệp vào Nam ra Bắc, đến các trung tâm lưu trữ để bổ sung làm phong phú thêm tư liệu về Tổng Bí thư.
Anh Thắng bộc bạch: "Khu nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư được xây dựng từ năm 1988; việc tìm kiếm, sưu tầm các tư liệu, hiện vật vô cùng khó khăn. Là một trong những người đầu tiên gắn bó với khu di tích, tôi hiểu mình phải có trách nhiệm làm dày thêm kho tư liệu về Tổng Bí thư".
Nhiều lúc, một chút thông tin như tia sáng le lói cũng khiến chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và cứ thế đi tìm với niềm tin rằng cứ nỗ lực rồi sẽ có kết quả.
ANH LÊ DOÃN THẮNG
Trưởng BQL Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú
Cũng theo anh Thắng, không phải cứ tìm là thấy cũng không phải cứ đến đó là có tư liệu. “Nhiều lúc, một chút thông tin như tia sáng le lói cũng khiến chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và cứ thế đi tìm với niềm tin rằng cứ nỗ lực rồi sẽ có kết quả. Bất cứ nơi đâu có thông tin về địa điểm, thời gian hoạt động cách mạng, sinh sống… của đồng chí Trần Phú, hay nguồn tin nào dù nhỏ chúng tôi đều sẵn sàng lên đường. Nhiều khi không thể thu thập được hiện vật nhưng chúng tôi sẽ tích lũy được những kiến thức quý giá để bồi đắp kỹ năng nghiệp vụ và chuyên môn”.
Bên cạnh tìm đến với các trung tâm lưu giữ, bảo tàng khắp mọi miền… anh Thắng còn luôn giữ mối liên hệ gắn kết với dòng họ Trần ở xã Tùng Ảnh; hay các thế hệ con cháu của những người đã từng có thời gian hoạt động cùng thời với Tổng Bí thư Trần Phú.
Gần đây nhất, năm 2023, như một cơ duyên, anh Thắng may mắn được gặp ông Nguyễn Doãn Hiền (con của ông Nguyễn Doãn Nguyên - người giúp việc và là trợ lý của Tổng Bí thư trong thời gian hoạt động tại Sài Gòn). Ông Hiền có lưu giữ cuốn nhật ký của ông Nguyễn Doãn Nguyên ghi lại thời kỳ hoạt động của Tổng Bí thư, đây là nguồn tư liệu quý giúp anh Thắng có thêm thông tin lịch sử, bổ sung tiểu sử cuộc đời hoạt động cao cả của đồng chí Trần Phú.
Hơn 20 năm qua, anh Thắng và các đồng nghiệp đã sưu tầm hàng chục hiện vật, hàng trăm nguồn tư liệu, tài liệu quý. Nhiều hiện vật, tư liệu giá trị như: cuốn gia phả họ Trần Tùng Ảnh; con dấu của Hội Hưng Nam; rương gỗ đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925; hình ảnh đồng chí Nguyễn Doãn Nguyên - người giúp việc cho Tổng Bí thư giai đoạn cuối năm 1930 - tháng 4/1931… đã được tìm về trưng bày, kể thêm những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vinh quang của đồng chí Trần Phú.
Được sống và làm việc ở nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, nơi yên nghỉ Tổng Bí thư là niềm tự hào, vinh dự lớn lao.
ANH LÊ DOÃN THẮNG
Trưởng BQL Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú
Anh Thắng cho biết: “Được sống và làm việc ở nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, nơi yên nghỉ Tổng Bí thư là niềm tự hào, vinh dự lớn lao. Vì vậy, tôi càng ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc, gìn giữ bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích và lan tỏa tinh thần, chí khí của người cộng sản kiên trung Trần Phú đến tất cả mọi người. Mong rằng, nơi đây sẽ tiếp tục được các cấp quan tâm đầu tư với chiến lược lớn hơn để đưa khu di tích phát triển xứng tầm”.
Thực hiện nhiệm vụ đặc thù, ngày nghỉ, ngày lễ tết với các cán bộ, nhân viên khu di tích hầu như rất hiếm hoi. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, từ nhiều tháng nay, anh Thắng và các đồng nghiệp của mình dường như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ.
Thế nhưng, bằng tất cả niềm vinh dự, tinh thần trách nhiệm mỗi người cán bộ, nhân viên BQL Khu di tích Trần Phú vẫn ngày ngày tận tụy làm đẹp, quảng bá khu di tích và lan tỏa hình ảnh vị lãnh tụ hết lòng vì Đảng, vì dân. Họ - những con người thầm lặng, "người trợ lý đặc biệt" đang viết nên những câu chuyện đẹp về lòng biết ơn, tri ân đến Tổng Bí thư Trần Phú và các vị tiền bối cách mạng.
VIDEO: Anh Thắng chia sẻ niềm vinh dự khi được công tác tại Ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú.
NỘI DUNG, ẢNH, VIDEO: THÀNH NAM - HÂN NHI