Hẹn gặp ông giữa buổi trưa hè chang chang nắng lửa, những câu hát ví, giặm lúc bổng, lúc trầm cứ theo thanh quản của người nghệ sỹ mà vang lên trong khoan nhặt chuyện trò giữa chúng tôi. Sau 40 năm gắn bó với những giai điệu bản sắc của quê hương, năm 2012, ông Trần Minh Chính đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian trên lĩnh vực thực hành và truyền dạy dân ca ví, giặm.
Song bao năm nay, trong lòng người dân xã Thạch Tân, ông luôn là một nghệ sỹ có tâm, có nghề. Tài ca hát, tài soạn lời và đạo diễn kịch dân ca của ông từ lâu đã nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới. Những sáng tác của ông gắn bó với đời sống nhân dân lao động nên có sức hấp dẫn đặc biệt với bà con. Nhiều lần ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động văn hóa cơ sở. Năm 1995, ông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng…
Dân ca ví, giặm không ngừng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành bản sắc riêng và là món ăn tinh thần của người dân xứ Nghệ. |
Vốn dĩ, Thạch Tân quê ông là một vùng đất có truyền thống văn hóa, văn nghệ và nghệ nhân Trần Minh Chính đã tìm thấy được điều kỳ diệu trong những làn điệu dân ca ví, giặm cổ truyền. Cho đến tận bây giờ, dẫu tác phẩm của ông đã lên tới con số hàng trăm nhưng nhiều người dân Thạch Tân vẫn còn nhớ tổ khúc dân ca ông sáng tác sau ngày phục viên trở về làng năm 1972 - Lòng dân Đồng Tiến gửi người tiền phương. Đó là sáng tác đầu tay và sự hưởng ứng của bà con trong xã đã tạo động lực để ông tiếp tục sáng tác hàng trăm tiết mục dân ca ví, giặm phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Ông cho biết: “Thời kỳ ấy, người trong làng hầu như biết về dân ca ví, giặm, đội văn nghệ quần chúng xã Thạch Tân ai cũng hát tốt nhiều làn điệu nên các sáng tác của tôi được đem đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Dường như dân ca ví, giặm có một sức mạnh kỳ lạ giúp chúng tôi tránh được đạn bom quân thù, bởi có những khi bom trút trên đầu, chúng tôi vẫn đứng hát động viên bộ đội và dân quân”.
Sau thời kỳ ấy, phong trào văn nghệ quần chúng không còn xuất hiện nhiều nữa những tiết mục dân ca ví, giặm, nhiều người cũng không còn mặn mà với những khúc hát dân ca, tuy vậy, ông Trần Minh Chính vẫn âm thầm nuôi dưỡng niềm đam mê của mình đối với nét văn hóa dân gian đặc sắc này. Sau những tìm tòi, nghiên cứu, đến nay, nghệ nhân Trần Minh Chính nắm rõ 5 thể hát ví: phường cấy, phường vải, phường nón, đò đưa, giao duyên; 4 thể hát giặm Xứ Nghệ: giặm ru, cửa quyền, giặm nói, giặm kể; 3 thể hát vè, xẩm Xứ Nghệ: vè, xẩm Thuốc Bắc, xẩm Thuốc Nam và nhiều làn điệu khác.
Nghệ nhân Trần Minh Chính vẫn luôn miệt mài nghiên cứu để sáng tác, dàn dựng các tiết mục dân ca ví giặm phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng |
Với chừng ấy vốn liếng về dân ca ví, giặm, cho đến khi sinh hoạt văn hóa dân gian này được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân Trần Minh Chính đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ con cháu trong làng, trong xã cách hát các thể ví, giặm, vè, xẩm trong dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Những hiểu biết về các thể hát ấy cũng giúp nghệ nhân Trần Minh Chính thành công trong sáng tác, dàn dựng các tiết mục dân ca.
Liên tục trong nhiều năm, các tác phẩm của ông đã đoạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ quần chúng. Tiêu biểu như tác phẩm Bình yên trên mọi chặng đường, Lời cảnh báo đạt giải A tuyên truyền về ATGT khu vực Bắc miền Trung – Tây Nguyên các năm 2009, 2010; Nét đẹp người thầy giải A liên hoan văn nghệ quần chúng ngành Y tế năm 2012… “Giải thưởng chỉ là sự ghi nhận cho quá trình lao động miệt mài nhưng với một người hoạt động văn nghệ quần chúng như tôi thì sự ghi nhận của nhân dân mới là phần thưởng xứng đáng nhất” - ông chia sẻ.
Lâu lắm rồi, nghệ nhân Trần Minh Chính không còn xuất hiện trên sân khấu, nhưng tiếng hát của ông thì vẫn vẹn nguyên sự mộc mạc, tha thiết, lắng sâu và quyến rũ người nghe. Những câu ví giao duyên ông bất chợt cất lên giữa buổi chuyện trò đã làm dịu đi cái bỏng rát của đợt nắng cuối hè Xứ Nghệ. Và niềm kính trọng về một tấm gương bình dị mà cao cả, như từng đợt triều cứ dâng lên trong lòng tôi không dứt…