Nhờ cần cù lao động, những miền quê nghèo nơi biên giới nay đã thay da đổi thịt...
Nghệ Tĩnh là vùng biên viễn, ngoài cư dân bản địa có mặt ở đây từ thuở hồng hoang của lịch sử, vùng đất này còn là nơi “di”, “hợp” của nhiều nguồn cư dân khác. Cùng với vị trí địa lý, thổ nhưỡng, nguồn gốc cư dân... đã tạo nên một cộng đồng có những nét tính cách, phong tục... đặc trưng, phong phú, mang dấu ấn “hóa thạch ngoại biên”, đủ sức đề kháng với những yếu tố văn hóa ngoại lai, đồng thời lại biết giao lưu, tiếp biến với cái mới, tiến bộ của các vùng miền khác để trường tồn.
Một trong những bản tính tạo nên cốt cách của người Hà Tĩnh là cần cù. Đây là vùng nắng nóng, mưa nhiều, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi... để sinh tồn, con người buộc phải cần cù, chịu khó, vượt lên hoàn cảnh. Từ nhu cầu tự thân, lâu dần trở thành truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.
Sự cần cù, tiết kiệm, sáng tạo, linh hoạt đã khiến nhiều vùng đất bạc màu trở thành những vựa rau xanh tốt.
Người Xứ Nghệ quan niệm rằng: “Trời nào có phụ ai đâu. Hay làm thì giàu, có chí thì nên”. Họ khuyên nhủ nhau: “Người có chí thì nên, nhà có nền thì vững”, hay “Luyện mới thành tài, miệt mài ắt giỏi”... Con người vùng “Nắng đỏ đồng, mưa thâm cả bùn non” đã biết “lấy sức người vượt sức thiên nhiên” để có một cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng lại phải chịu nhiều thiên tai nên con người nơi đây luôn có ý thức rèn luyện sức khỏe, tinh thông nghề nghiệp. Họ động viên nhau: “Nỏ ốm, nỏ đau làm giàu mấy chốc” hay “Của rề rề không bằng nghề trong tay”... Nếu trong xóm làng có kẻ lười biếng đều bị cộng đồng lên án “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”... nên không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình để không bị thiếu thốn, bàn tán, gièm pha.
Sự chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ nhau giữa quân và dân đã khiến công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh giành được nhiều kết quả tốt.
Không chỉ cần cù, cư dân Hà Tĩnh còn được biết đến là những người sống chắt chiu, tiết kiệm, ăn bữa hôm dành bữa mai. Với người Hà Tĩnh, tiết kiệm biểu hiện thái độ biết quý trọng những thành quả lao động, phòng khi thất bát, bất trắc. Mặt khác, tiết kiệm xuất phát từ suy nghĩ sống phải có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng làng xã và dành dụm cho thế hệ mai sau. Người Hà Tĩnh thường khuyên nhủ nhau “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”.
Trong hoàn cảnh nào, con người nơi đây cũng luôn động viên nhau: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm”; “Giàu không kiệm, đói liền tay. Khó mà hoang phí ăn mày trợn sơ”... Người Hà Tĩnh không chuộng thói phô trương, xa hoa mà luôn nhắc nhở nhau: “Ăn chắc mặc bền”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Của bền tại người”… Thế hệ trước luôn nhắc nhở thế hệ sau “Ở đây một hạt cơm rơi. Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”…
Hà Tĩnh tự hào là địa phương điển hình về xây dựng NTM được nhiều địa phương khác học tập. Trong ảnh: Đoàn cán bộ, lãnh đạo Savannakhet - Lào tham quan nông thôn mới Hà Tĩnh.
Tác giả Bùi Dương Lịch (Nghệ An ký) đã khái quát: “Xứ Nghệ tuy đất xấu, dân nghèo” nhưng “Dân đều vui vẻ công việc, sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân, thân thượng và biết lễ nghĩa, liêm sỉ”; “Do đất xấu, dân nghèo nên chịu khổ, nhẫn nại, cần cù, kiệm ước, đã quen nề nếp. Kẻ sỹ không chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn. Người các trấn thường cười là hủ lậu”.
Nhờ cần cù, tiết kiệm nên thế hệ trước đã dành dụm cho thế hệ sau có điều kiện học hành, đỗ đạt và đóng góp sức người, sức của to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Ngày nay, do ảnh hưởng của giao lưu, hội nhập, lối sống thực dụng, hưởng thụ... từ bên ngoài vào, một bộ phận lớp trẻ ngày nay quay lưng với những giá trị truyền thống của dân tộc, vùng miền; lười lao động, luôn đòi hỏi quyền lợi mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, cộng đồng, dân tộc; chỉ muốn làm chơi mà ăn thật, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”.
Không chỉ cần cù, tiết kiệm, người Hà Tĩnh còn xây dựng quê hương bằng tình đoàn kết cộng đồng.
Thậm chí, một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh, sinh viên lười học tập, thích đua đòi nên sa vào các tệ nạn xã hội, làm gia tăng đột biến tỉ lệ tội phạm thanh thiếu niên. Đã xuất hiện những suy nghĩ lệch lạc cho rằng, cần phải sống gấp, phải hưởng thụ để sau này khỏi phải hối tiếc... Suy nghĩ đó, lối sống đó đã xa rời những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của người Hà Tĩnh nói riêng, dân tộc nói chung, là trở lực trong quá trình phát triển của tỉnh nhà và đất nước.
Cần cù, tiết kiệm không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của người Hà Tĩnh mà đã theo con người nơi đây ghi dấu tốt đẹp, tỏa sáng trên tất cả vùng miền của Tổ quốc, từ lịch sử đến hiện tại. Đây có lẽ là một trong những lý do lý giải vì sao trong số rất nhiều truyền thống quý báu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn 2 đức tính cần và kiệm là chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.