Mờ sáng, các tin tức mới nhất về ví, giặm được các kênh truyền thông trong nước và quốc tế đăng tải. Khó có thể nói hết bằng lời niềm vui của biết bao người con sinh ra trên vùng đất “nhút mặn chua cà” luôn hướng về ví, giặm với tình yêu từ trong máu thịt. Những diễn biến suốt 4 ngày qua của kỳ họp thứ 9 Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) đã được người Hà Tĩnh dõi theo từng giờ. Cuối cùng, mọi chờ đợi đã đến lúc thỏa nguyện. “Đặc sản” văn hóa tinh thần ra đời trong lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân xứ Nghệ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo dõi diễn biến từng ngày trên các thông tin điện tử, nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hường (Cẩm Xuyên) tỏ rõ niềm vui mừng như tư cách người trong cuộc: “Không thể tả được niềm vui khi ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 4 tuổi, o Hường đã hát dân ca ví, giặm do bố và mẹ truyền dạy. Đến nay đã ngoài 50, o Hường vẫn thao thức cùng ví, giặm. Tiếp nối tình yêu từ gia đình, quê hương nơi sinh ra, o đã hát dân ca ví, giặm với tình yêu khó tả trong suốt hàng chục năm bền bỉ. Những năm gần đây, nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hường mang tâm niệm truyền dạy dân ca ví, giặm cho công chúng và thế hệ trẻ. Năm 2014, o đã đề xuất Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện mở lớp tập huấn cho 80 hạt nhân ở cơ sở về ví, giặm Nghệ Tĩnh. Sự kiện đặc biệt này là động lực tinh thần để nghệ nhân Hường và nhiều người cùng phát huy hơn nữa di sản văn hóa tinh thần gắn với đất và người quê ta”.
Niềm vui thôi thúc trong lòng, tờ mờ sáng tôi tìm đến Câu Lạc bộ (CLB) ví, giặm Nghệ Tĩnh xã Phù Việt (Thạch Hà). Dầu phải chạy xe rất chậm để xóa tan sương mờ buổi sớm nhưng chiếc loa truyền thanh của xã đã chào ngày mới bằng giai điệu ngọt ngào. Khúc hát giao duyên “Thử lòng chung thủy” qua giọng hát của Đình Toàn và NSUT Hồng Lựu ngân vang sâu lắng, tâm tình. Chủ nhiệm CLB là anh Nguyễn Công Bằng “đón tiếp” tôi với một niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt rạng rỡ. Anh háo hức: “Chờ đợi hết ngày hôm qua không thấy tin, sáng nay ngủ dậy mình liền truy cập internet, rất nhiều trang đăng tải tin tức về sự kiện đêm qua. Thật là vui khi UNESCO đã công nhận ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. “Ví, giặm ở quê mình gắn với làng nghề truyền thống với câu cửa miệng “nón Ba Giang óng ả đường làng”. Ví, giặm được UNESCO vinh danh làm cho mình và anh chị em CLB tự hào hơn về quê hương và nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm thực hành các sinh hoạt dân ca ví, giặm tại cộng đồng, truyền dạy cho các đối tượng trong nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh” – anh Bằng chia sẻ với tôi như chính anh đang tự nói với mình và những người cùng đam mê ở CLB.
Vi vu trên QL 1A trở về thành phố Hà Tĩnh với năng lượng tràn đầy. Tại quán cà phê Bình Yên nơi góc phố, tôi gặp nhạc sĩ Quốc Nam trong niềm vui gặp người bạn thời tản cư ở xã Thạch Hương (Thạch Hà). Với mái tóc bồng bềnh, nụ cười rạng rỡ, người nhạc sĩ tài hoa chia sẻ với tôi: “Vừa sáng sớm, tôi đã biết tin ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đó là niềm vui của người Nghệ chúng ta, của cả anh bạn yêu dân ca này nữa” - ông hướng mắt sang người đàn ông đã quá lục tuần, mái tóc bạc phần nữa. Đoạn ông chia sẻ: “Tôi đã sáng tác nhiều ca khúc sử dụng ví, giặm làm chất liệu. Trong ca khúc Mãi thương nhau tôi viết “câu ví giận thương có từ thời dựng nước” như muốn chuyển tải sức sống bất diệt dân ca Nghệ Tĩnh.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, có những lúc ví, giặm đã đem đến cho tôi những kỷ niệm đẹp. Khi Điệu ví giặm là em được phát trên truyền hình, nhiều người Việt Nam ở Mỹ, Nga, Pháp đã gọi về cho tôi xin được nghe lại. Anh em nghệ sỹ, không chỉ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, mà ở các tỉnh khác rất ưa thích lựa chọn chất liệu dân ca ví, giặm làm âm hưởng cho các tác phẩm. Điều đó vừa khẳng định tính hấp dẫn, sự lôi cuốn của loại hình dân ca này vừa là hành động bảo tồn rất đáng trân trọng trong xu thế hiện nay. Tôi hi vọng, thời gian tới sẽ có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được sáng tạo để ví, giặm lan tỏa đằm sâu khắp cả nước và vươn xa hơn đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bạn bè năm châu”.
Niềm tin, lòng tự hào bao giờ cũng tiếp thêm sức mạnh, tạo nên động lực để nâng cao hiệu quả lao động, sáng tạo. Tôi chợt nghĩ đến lời bộc bạch của cô Phạm Minh Hương - giáo viên dạy Ngữ Văn Trường THCS Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) vào trước giờ hoàng hôn đóng cửa ngày 27/11 lúc tôi từ cửa Nhượng lên ghé thăm trường. Giọng trong trẻo của một người dạy văn lâu năm đã cho cô những lợi thế để có thể hát, kể chuyện cho học trò nghe những giờ ngoại khóa. Cô bảo: “Nhà trường đang xây dựng chương trình thi văn nghệ dành cho học sinh hướng tới chào mừng 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12). Lần này, 3 đội thi sẽ phải sử dụng các làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh để chuyển tải chủ đề về biển đảo quê hương, ca ngợi tình quân – dân, bộ đội cụ Hồ… Chương trình thi văn nghệ lần này với Trường THCS Cẩm Nhượng là một chương trình đặc biệt vì UNESCO đang xem xét hồ sơ ví, giặm Nghệ Tĩnh. Cô tin là ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được tổ chức quốc tế này vinh danh”.
Chuyền tai nhau nhanh đến ngỡ ngàng, đầu sáng 28/11, người Hà Tĩnh khắp mọi nẻo từ thành thị tới nông thôn, từ các thành phần công chức, giáo viên đến nông dân, công nhân đều biết tin vui nhất về ví, giặm. Mỗi người đều mang trong mình niềm tự hào, tình cảm chan chứa với di sản văn hóa tinh thần của ông cha vốn được sản sinh từ nền nông nghiệp trồng lúa nước thuộc tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ - nơi có núi Hồng soi bóng xuống dòng Lam và cũng là nơi khắc nghiệt, luôn thử thách lòng người. Với người Hà Tĩnh nói riêng, người Nghệ Tĩnh nói chung, cảm xúc nhận về từ ví, giặm hôm nay là một cảm xúc đặc biệt, khó hiển ngôn bằng lời.