Ông Lê Tứ trò chuyện với PV Báo Hà Tĩnh.
Câu chuyện bên bếp lửa của những người già - thế hệ đầu tiên dân tộc Mán về định cư trên mảnh đất này đượm màu hoài niệm về cố hương và lòng biết ơn Đảng, chính quyền, nhân dân đã giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.
Những người Mán đầu tiên xuất hiện tại Sơn Kim 1 bắt đầu vào khoảng năm 1930. Ngày đó, một nhóm khoảng 15 người từ bản Nape (Lào) vì tránh nạn bắt bớ đi phu làm đường nên đã đến với vùng đất này. Cuộc sống hoang dã, đói khổ cùng cực đã khiến nhóm người ly hương dường như kiệt quệ. Họ không thể nhớ nổi tên gọi của mình mà chỉ nhớ những loại quả dại, rau rừng có thể nuôi sống bản thân.
Thương những người lưu lạc, lãnh đạo xã Sơn Kim 1 lúc bấy giờ là ông Trần Minh Quang - Chủ tịch UBND xã đã “gom” họ về, đặt tên cho từng người và thống nhất lấy họ Lê làm họ chung. Thời kỳ hòa nhập của người dân tộc thực sự bắt đầu. Những tập tục hoang dã và thói quen đốt nương làm rẫy dần được loại bỏ với sự giúp đỡ, “cầm tay chỉ việc” của chính quyền và bà con nhân dân.
Ngồi bó gối bên bếp lửa bập bùng, lắng nghe tiếng mưa rào rạt từ cánh rừng trước mặt, ông Lê Tứ (82 tuổi, người dân tộc Mán ở thôn Hà Trai) chia sẻ: “Thay cho việc đốt nương làm rẫy, chúng tôi được làm quen với tập quán định canh, định cư, được hỗ trợ làm nhà, tặng bò... Tôi không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần được hỗ trợ, chỉ biết rằng, cứ mỗi mùa gieo hạt là tất cả chúng tôi đều được Đảng, chính quyền hỗ trợ giống, phân bón. Và nay, khi đã già yếu, chúng tôi lại có chế độ bảo hiểm để chữa bệnh...”.
Đời sống của đồng bào dân tộc ở Sơm Kim 1 ngày càng được nâng cao
Bên căn nhà còn thơm mùi vôi mới, bà Lê Thị Vân (dân tộc Mán) không giấu nổi niềm vui: “Đã qua vài lần làm đi sửa lại, nhưng nay, gia đình tôi mới có được căn nhà đúng nghĩa. Kinh phí làm nhà là nhờ chính quyền địa phương kêu gọi hỗ trợ và một phần gia đình tích góp. Gia đình còn được chia 2,5 ha vườn đồi để trồng rừng, sản xuất, chăn nuôi. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm to lớn này”.
Vận dụng tối đa chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị xã hội và sự quan tâm của xã trong nhiều năm qua là sức mạnh để đồng bào dân tộc ở Sơn Kim 1 rút ngắn khoảng cách với người Kinh. Ông Phan Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết: “Cùng với việc ổn định nơi ăn chốn ở, giúp bà con phát triển sản xuất, chúng tôi còn huy động lực lượng đoàn viên đào hàng chục giếng nước sạch, tạo điều kiện cho bà con dân tộc được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, làm các công trình nước sạch, vệ sinh. Chính quyền cũng quan tâm đầu tư các tuyến đường bê tông vào tận ngõ xóm để bà con thuận tiện đi lại. Năm 2015, thôn Hà Trai đã được công nhận thôn văn hóa”.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tộc ngày càng được nâng cao. Đó không chỉ là việc khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mà còn là nỗ lực của người dân trong việc động viên con cháu tới trường. Những chính sách hỗ trợ cho con em dân tộc đi học, chính sách cử tuyển... đã trở thành động lực để thế hệ tiếp nối trên mảnh đất này vươn khỏi núi rừng hẻo lánh, hòa mình vào sự phát triển chung trên mọi miền đất nước.
Ông Lê Đóa (92 tuổi, dân tộc Mán) cho hay: “Đời chúng tôi được xóa mù chữ nhờ bộ đội biên phòng và chính quyền, nhân dân xã; đời con cháu được sáng dạ nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, tôi có 4 cháu học đại học. Trong đó, một đứa là bác sỹ ở miền Nam; một cháu là kỹ sư, làm việc ở Tuyên Quang, một cháu học Đại học sư phạm và một cháu học Đại học Đà Nẵng. Tất cả cứ như một giấc mơ!”.
Sơn Kim 1 đã trở thành quê hương thứ 2 của những người dân tộc. Nhìn lại sự đổi thay trong cuộc sống từ những chuyến đi về thăm quê hương bản quán, bà con dân tộc thêm yêu, thêm quý trọng cái tình, cái nghĩa của mảnh đất và con người Sơn Kim. Tri ân mảnh đất này, họ đã góp phần không nhỏ trong các phong trào thi đua, giữ gìn sự bình yên trên tuyến đường biên để Sơn Kim 1 ngày càng phát triển.