Người nước ngoài đón tết ở Hà Tĩnh: Chúng tôi thấy như được ở nhà!

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp tết cổ truyền Việt Nam, có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Tĩnh đã hòa chung niềm vui với người bản xứ. Sự thân thiện, hiếu khách của người Hà Tĩnh khiến họ có cảm giác như đang vui lễ tại quê nhà.

Người nước ngoài đón tết ở Hà Tĩnh: Chúng tôi thấy như được ở nhà!

Đại Phán tham gia trang trí tết tại nhà người bạn.

Ở lại Việt Nam vào đúng dịp tết Nguyên đán, nhiều người nước ngoài từng nghĩ sẽ rất cô đơn, thế nhưng, ngược lại với suy nghĩ đó, họ được bạn bè Việt Nam mời về nhà ăn tết, khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam và thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam.

“Ấm áp, vui vẻ và chân thành” là cảm nhận của chàng trai 25 tuổi Trần Đại Phán đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi được đón tết cổ truyền cùng gia đình người bạn tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Đại Phán cho biết, do dịch COVID-19 và những quy định cách ly y tế kéo dài khi về nước nên anh quyết định chọn ở lại Việt Nam đón tết tại nhà người bạn.

Mặc dù vốn tiếng Việt anh chưa thực sự giỏi nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người, anh đã hòa nhập dễ dàng để đón năm mới an lành, ấm áp tại Hà Tĩnh. Đại Phán chia sẻ: “Cùng đón tết với gia đình người bạn, lần đầu tiên tôi hiểu rõ nét văn hóa của người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng trong dịp tết cổ truyền như: gói bánh chưng, đi lễ chùa đầu năm, thưởng thức các món ăn truyền thống, đi chúc tết… Đó là một cảm xúc thật khác lạ so với những cái tết trước đây. Tết Việt thật khác lạ, không ồn ào, xô bồ mà thay vào đó là một không gian ấm áp tình thân”.

Cũng như Đại Phán, đây là lần đầu tiên anh Shinsuke Arimasa đến từ Nhật Bản đón tết ở Việt Nam và tại Hà Tĩnh.

Người nước ngoài đón tết ở Hà Tĩnh: Chúng tôi thấy như được ở nhà!

Anh Shinsuke Arimasa sẽ dành thời gian để khám phá văn hóa, cảnh sắc Việt Nam trong dịp tết.

Tết cổ truyền của người Nhật diễn ra vào ngày 1/1 dương lịch nên việc được trải nghiệm thêm một cái tết trên một đất nước khác đem lại sự thú vị đặc biệt.

Anh Arimasa cho biết: “Vì đặc thù công việc có dự án đầu tư tại KKT Vũng Áng (TX Kỳ Anh) nên năm nay tôi sẽ ở lại Việt Nam. Tôi nhận thấy phong tục đón năm mới của Việt Nam và Nhật cũng có nhiều nét tương đồng. Ở Nhật, kỳ nghỉ năm mới quan trọng nhất trong năm, những ngày đó, mọi người thường đi thăm bạn bè, họ hàng và tranh thủ nghỉ ngơi. Một điều tương đồng khác mà tôi nhận thấy chính là các gia đình Việt hay Nhật đều chuẩn bị sẵn các món ăn cho những ngày tết, đi lễ chùa ngày mồng 1 và lì xì…”.

Chia sẻ dự định của mình trong dịp tết này, anh Arisama sẽ dành thời gian để thăm và dùng cơm ngày tết với một số đồng nghiệp người Việt tại Hà Tĩnh. Đồng thời sẽ thử trải nghiệm ngắm cảnh đẹp ở Việt Nam bằng một chuyến du lịch bằng tàu hỏa từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào TP. Hồ Chí Minh.

Hơn 10 năm gắn bó làm việc tại Hà Tĩnh, ông Du Triết Gia (Đài Loan) lần thứ 2 đón tết tại Việt Nam. Người Đài Loan cũng đón tết Nguyên đán cùng lịch âm với người Việt Nam.

Người nước ngoài đón tết ở Hà Tĩnh: Chúng tôi thấy như được ở nhà!

Ông Du Triết Gia năm thứ 2 đón tết ở Hà Tĩnh.

Ông Du Triết Gia cho biết: “Vì đặc thù công việc của công ty phải làm xuyên tết nên theo ca trực năm nay tôi ở lại ăn tết tại Hà Tĩnh. Những ngày tết, bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam luôn gửi những lời chúc năm mới và món bánh mứt tết truyền thống của Hà Tĩnh cho tôi.

Tết cổ truyền có thể sẽ giúp cho tôi hiểu hơn về con người nơi đây, là cầu nối gắn kết tình cảm giữa những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau, cảm nhận được con người Hà Tĩnh nói riêng, con người Việt Nam nói chung luôn mến khách, ấm áp, giúp cho tôi luôn cảm thấy như đang được ở nhà”.

Tết Nguyên đán là dịp để người Việt đoàn tụ, gắn bó với nhau. Trong thời kỳ hội nhập, ngày tết cũng là cầu nối cho những người đến từ các nền văn hóa khác, hiểu và gắn kết tình cảm với văn hóa và con người Việt Nam hơn. Và tết cổ truyền đối với người nước ngoài ở Hà Tĩnh là dịp để họ gắn kết với nơi họ sinh sống và làm việc.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.