Người Phát ngôn Chính phủ trả lời một số vấn đề báo chí và dư luận quan tâm

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

nguoi phat ngon chinh phu tra loi mot so van de bao chi va du luan quan tam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

1. Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay là không thể đạt được trong khi nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn. Xin Người Phát ngôn cho biết Chính phủ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không và biện pháp chỉ đạo như thế nào để bảo đảm tăng trưởng và tránh gây áp lực lên lạm phát?

Trả lời:

Để bảo đảm tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, đã báo cáo trước Quốc hội và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung khẩn trương triển khai thực hiện. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, bảo đảm bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, bù đắp phần đã thiệt hại trong 6 tháng đầu năm. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành còn nhiều tiềm năng trong công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch,…

Chính phủ cũng đã đánh giá các mặt, cả thuận lợi và khó khăn, thách thức; với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu đề ra.

2. Đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp (tại dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước) đang nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau từ các chuyên gia, nhà quản lý, đa số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và lo ngại về bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả. Xin cho biết Chính phủ đã xem xét đề xuất này của Bộ Kế hoạch Đầu tư hay chưa, quan điểm về vấn đề quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại DN như thế nào?

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ giao soạn thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự thảo Nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước (trong đó có đề xuất hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Các dự thảo văn bản này đang trong quá trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh và trình Chính phủ phương án phù hợp (dự kiến vào tháng 9 năm 2016).

3. Mới đây phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Xin cho biết đến nay đã có kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung hay chưa? Môi trường biển hiện nay đã an toàn cho đánh bắt thuỷ hải sản và các dịch vụ tắm biển chưa? Chính phủ sẽ có phương án như thế nào để sớm khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung?

Trả lời:

Công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) hiện đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Y tế,... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Ý kiến một số nhà khoa học phản ánh dư luận cho rằng Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng không có trong Quy hoạch sông Hồng từng bị người dân phản đối. Xin cho biết quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời:

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nói trên vì chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững (văn bản số 766/TTg-KTN ngày 09/5/2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân. Căn cứ đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định đề cương của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng trong đó quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.

5. Không chỉ vi phạm trên biển, gần đây liên tiếp phát hiện các hành vi chôn chất thải rắn của công ty Formosa không đúng quy định, cũng như xảy ra không ít vụ các công ty, nhà máy gây ô nhiễm môi trường (Công ty Việt Phước vứt heo thối ra sông Sài Gòn, Nhà máy chế biến rác thải Việt Trì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng…). Xin Người Phát ngôn cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời:

Quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng: Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện. Ngày 20/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan Nhà nước…, đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.

6. Nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường cho rằng quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp (DN) có thể “lách” trong khi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư nước ngoài tới đây sẽ tăng lên, trong đó có những ngành nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, sắt thép... Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời:

Vấn đề quản lý nước thải là một nội dung quan trọng của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các Nghị định của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cũng như các yêu cầu, quy trình thủ tục trong quản lý, thu gom, xử lý và quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải, trách nhiệm giám sát việc xử lý... Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, không tạo kẽ hở để lợi dụng, "lách luật" như báo chí nêu.

Trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư, dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; xử lý nghiêm các vi phạm. Như đã báo cáo Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến quốc tế.

7. Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thanh tra toàn diện dự án khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên) xuất phát từ lý do gì và quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Chính phủ về dự án này?

Trả lời:

- Theo quy định của Luật Thanh tra, hằng năm các bộ, ngành và địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt. Ngày 25/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3018/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ, theo đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dự kiến tiến hành thanh tra một số cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo).

- Dự án khoáng sản Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 233/QĐ-BTNMT ngày 28/02/2005 và số 370/QĐ-BTNMT ngày 06/3/2008, do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quy định.

- Tháng 6 năm 2016, người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã có khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với Dự án khoáng sản Núi Pháo.

- Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 147/BC-UBND báo cáo về quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của Công ty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân khu vực xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Cùng ngày 14/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về nội dung này và thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thanh tra về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu tháng 8 năm 2016.

Như vậy, việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước. Qua thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật; nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của Công ty.

8. Câu chuyện tranh cãi Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh nhập ô tô vẫn chưa có hồi kết. Bộ Công Thương nói đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Vậy quan điểm Chính phủ thế nào?

Trả lời:

Trong quá trình rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư, quy định về nhập khẩu ô tô tại Thông tư số 20 đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ. Đây là vấn đề được các cơ quan liên quan, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc duy trì hay bãi bỏ quy định này tại Thông tư số 20.

Do còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô.

9. Về cơn bão số 1 vừa qua, có một số ý kiến cho rằng cơ quan khí tượng đã dự báo sai về cấp độ và hướng đi của bão, tốc độ di chuyển của tâm bão không như dự báo là 10-15km/h, gây nhiều thiệt hại. Xin Người phát ngôn cho biết ý kiến về công tác dự báo về cơn bão vừa qua?

Trả lời:

Đây là cơn bão có diễn biến bất thường, khi đổ bộ vào bờ biển và đất liền nước ta bão không giảm cấp mà tiếp tục tăng cấp, thời gian duy trì gió mạnh kéo dài tại các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống lưới điện, nhà cửa và cây xanh.

Liên quan đến công tác dự báo, ngày 31 tháng 7 năm 2016, trong chuyến thị sát thực tế, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại cơn bão số 1 tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và ngay đầu phiên họp Chính phủ tháng 7 (ngày 01/8/2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan có liên quan sớm tổng kết, rút kinh nghiệm về cơn bão số 1, đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được trong công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, chỉ đạo, ứng phó để kịp thời khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao năng lực dự báo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhất là trong những tình huống thiên tai diễn biến bất thường, phức tạp.

10. Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) vừa gặp sự cố vỡ ống chứa trong quá trình vận hành thử, tràn hóa chất ra suối Đắk Dao, gây cá chết và một số người dân bị bệnh ngoài da. Từ một số sự việc xảy ra tại các nhà máy khai thác titan, bauxite, alumin, nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng công trình và nguy cơ xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng môi trường. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời:

Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản khá đầy đủ và khá đồng bộ, như: Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị quyết 02/NQ-TW của Bộ Chính trị, Chiến lược Khoáng sản... Tất cả các văn bản nêu trên nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó tập trung vào công tác xây dựng quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các cơ sở sản xuất; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Nhờ đó, hoạt động về khoáng sản đã được quản lý chặt chẽ hơn, từng bước phát huy được hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục bước đầu tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí các nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Vừa qua đã xảy ra sự cố tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông (vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm bị chảy ra ngoài Nhà máy và chảy vào suối Đăk Yao). Ngay sau khi xảy ra, sự cố đã được khống chế hoàn toàn; sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ PH ở mức cho phép. Tuy vậy cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản; chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố./.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.