11 năm qua, chị Lài gắn bó với công việc cô nuôi ở điểm trường 1 - Trường Mầm non Sơn Kim 1 (Hương Sơn).
Trường Mầm non Sơn Kim 1 thuộc xã vùng biên ở Hương Sơn, giao thông đi lại khó khăn, học sinh đông nên được chia ra làm hai điểm trường, cách nhau hơn 4 km. 11 năm nay, chị Nguyễn Thị Lài (SN 1979, trú xã Sơn Kim 1) làm cô nuôi (còn gọi là nghề cấp dưỡng) tại điểm trường 1.
Theo quy định, hệ mầm non tối đa 50 em sẽ có 1 cô nuôi nhưng ở điểm trường 1, học sinh đông cộng thêm việc tuyển cô nuôi khó khăn nên chị Lài và một đồng nghiệp phải “gánh” việc nấu ăn cho 152 trẻ (vượt 52 trẻ so với quy định). |
Theo chị Lài, nghề cô nuôi tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực tế có rất nhiều khó khăn, áp lực. Để được làm cô nuôi, mình phải theo học lớp nấu ăn để lấy chứng chỉ.
Mỗi ngày, công việc của các chị bắt đầu từ 6h sáng, kết thúc lúc 16h chiều. “6h sáng, chúng tôi bắt tay vào việc. Người đun nước sôi nhúng lại số bát, đĩa đựng thức ăn đã rửa chiều qua, người đi nhận thực phẩm trong ngày về chế biến. Đến giờ ăn lúc 10h15", chúng tôi phụ giúp giáo viên đứng lớp mang thức ăn lên cho trẻ. Sau đó, vào bếp nấu cơm trưa cho giáo viên. Nghỉ ngơi tí chút, chúng tôi lại tiếp tục cho bữa ăn chiều. Rửa bát, dọn dẹp xong, chúng tôi ra về thường là 16h hoặc muộn hơn chút” – chị Lài kể.
Nghề cô nuôi của chị Lài luôn chịu áp lực nặng nề bởi vừa có bữa ăn an toàn cho trẻ, vừa đảm bảo dinh dưỡng, kích thích trẻ ham ăn, ăn ngon. (Trong ảnh: Chị Lài tỉ mỉ xẻ từng miếng cá để lấy những chiếc xương, tránh việc trẻ bị hóc).
Chị Lài chia sẻ thêm, việc chuẩn bị thức ăn cho trẻ là yêu cầu hàng đầu. Phía nhà trường thường đặt rau, cá, thịt ở các hộ dân trong xã. Đây là sản phẩm mà người dân tự sản xuất, độ tin cậy về an toàn thực phẩm cao. Thực đơn hằng ngày của các cháu được lên trước một tuần, đảm bảo đầy đủ cá, thịt, trứng...
Việc nấu ăn cho trẻ luôn đòi hỏi “2 trong 1”, vừa thật sự tỉ mỉ, cẩn thận để trẻ có bữa ăn an toàn, vừa tạo hứng thú, hấp dẫn để kích thích trẻ ham ăn và ăn ngon hơn.
Để tránh việc trẻ nhàm chán thức ăn, chị Lài và đồng nghiệp luôn thay đổi thực đơn, các ngày lễ tổ chức nấu buffet để tạo hứng thú cho các cháu.
Chị Lài cho hay: “Để có được bữa ăn ngon, đủ các chất dinh dưỡng không phải là đơn giản, phải đảm bảo an toàn từ những khâu nhỏ nhất. Chẳng hạn, cho trẻ ăn món cá nướng, tôi phải lấy hết từng chiếc xương rồi xẻ nhỏ từng miếng thịt ra như làm chà bông để trẻ dễ ăn. Hay món canh rau phải thái nhỏ, thịt phải xay mịn. Khi chế biến thức ăn không cho quá nhiều gia vị như dầu, mỡ. Để tránh nhàm chán, chúng tôi thường xuyên thay đổi món và vào dịp lễ 8/3, 20/10... tổ chức nấu buffet cho các cháu”.
Công việc vất vả, áp lực nặng nề nhưng thu nhập của chị Lài khá thấp và bấp bênh.
Công việc áp lực, vất vả là vậy, song thu nhập của chị Lài khá thấp. Làm cô nuôi 11 năm, lương tháng của chị Lài chỉ ở mức 3,5 triệu đồng.
Hiểu được khó khăn của các cô nuôi, mỗi tháng, các giáo viên trong trường trích ra 50.000 đồng tiền lương để ủng hộ, tạo thêm động lực cho họ gắn bó. |
Chồng mất 5 năm nay, một mình chị Lài với đồng lương ít ỏi nuôi 2 người con gái ăn học. Dù khó khăn vất vả nhưng nhưng chị Lài chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Chị tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề từ tình yêu với trẻ, coi các cháu như là con cháu trong nhà. Những bữa cơm chúng tôi nấu giúp các bé ăn ngon, khoẻ mạnh là “quả ngọt” mà chúng tôi mong chờ”.
Động lực của cô Lài là tình yêu thương dành cho trẻ, con các cháu như con cháu của mình.
Chị Dương Thị Lam (SN 1988) - Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Mầm non Sơn Kim 1 kể: “Nhiều lần, tôi đến điểm trường 1 kiểm tra bất ngờ thì đều thấy bếp ăn sạch sẽ, ngăn nắp, thức ăn tươi ngon đảm bảo an toàn và đủ dinh dưỡng. Phụ huynh nhà trường rất tin tưởng vào 2 cô nuôi đang công tác ở đây”.
Ở trường chúng tôi, ngoài cô Lài còn có cô Hà là 2 cô nuôi tận tâm, có trách nhiệm với nghề. Cô Lài công tác 11 năm, công việc dẫu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng với lòng thương trẻ họ đã vượt qua tất cả. Chúng tôi hy vọng, các cấp, ngành sớm có thêm chính sách hỗ trợ để các cô nuôi yên tâm làm việc