Trường hợp này dự kiến được báo cáo tại Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ 25 ở Munich, Đức. Bệnh nhân 60 tuổi, mắc HIV, sau đó phát hiện bị bệnh bạch cầu cấp tủy, phải làm phẫu thuật thay thế tủy xương vào tháng 10/2015.
Ông ngừng dùng thuốc kháng virus HIV vào tháng 9/2018, nhưng vẫn trong tình trạng thuyên giảm virus mà không bị tái phát. Các xét nghiệm hiện không phát hiện HIV trong cơ thể người đàn ông.
"Khi thấy các bệnh nhân thuyên giảm HIV kéo dài mà không cần bất cứ liệu pháp điều trị bổ sung nào, chúng ta càng có thể tự tin rằng nhân loại sẽ tiêu diệt được virus này", tiến sĩ Christian Gaebler, bác sĩ, nhà khoa học tại Charité-Universitätsmedizin Berlin, cho biết.
Dù vậy, giới chuyên gia thận trọng cảnh báo phương pháp tế bào gốc chỉ phù hợp với một số người. Các bệnh nhân HIV này đều bị ung thư máu và được cấy ghép để điều trị bệnh ác tính. Cấy ghép tế bào gốc có độc tính cao và có thể gây tử vong. Vì vậy, sẽ là phi đạo đức nếu sử dụng chúng cho những người chỉ mắc HIV mà không bị ung thư hay bất cứ loại bệnh nào cần đến nó. Người hiến tế bào gốc được lựa chọn vì có tế bào miễn dịch đặc hiệu, kháng HIV tự nhiên.
Thực tế, HIV vẫn là bệnh khó chữa, các tế bào virus lây nhiễm thường là tế bào miễn dịch sống lâu, đang ở trạng thái ngủ đông. Bất cứ lúc nào, những ổ chứa này cũng có thể thức tỉnh và bắt đầu sản xuất HIV. Vì vậy, khi các bệnh nhân ngừng dùng thuốc, lượng virus của họ tăng trở lại trong vài tuần.
Ghép tế bào gốc có thể chữa khỏi HIV một phần, vì quá trình hóa trị, xạ trị đã phá hủy hệ miễn dịch của người bệnh ung thư, thay thế nó bằng hệ miễn dịch khỏe mạnh của người hiến tặng.
Ở 5 trong số 7 trường hợp khỏi HIV bằng phương pháp này, bác sĩ đã tìm thấy những người hiến tặng có khiếm khuyết tự nhiên ở cả hai bản sao của một gene tạo protein có tên CCR5 trên bề mặt tế bào miễn dịch. Hầu hết chủng HIV bám vào protein này để lây nhiễm tế bào. Nếu CCR5 không hoạt động, các tế bào miễn dịch sẽ kháng HIV.
Người hiến tặng của bệnh nhân Đức mới nhất chỉ có một bản sao gene CCR5, nghĩa là các tế bào miễn dịch chỉ có một nửa lượng protein bình thường. Bệnh nhân Đức cũng có một bản sao của gene. Kết hợp hai yếu tố di truyền đó, cơ hội chữa khỏi bệnh tăng cao hơn.
Hiện tại, thế giới ghi nhận 6 người khỏi HIV bằng phương pháp tế bào gốc. Bệnh nhân đầu tiên là Timothy Ray Brown, còn gọi là "bệnh nhân Berlin". Trường hợp này được công bố năm 2008, đã thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu HIV. Ông qua đời vào năm 2020 vì bạch cầu tái phát.
Người thứ hai là Adam Castillejo, hay "bệnh nhân London". Ông được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu và tủy xương năm 2016, ngừng điều trị HIV năm 2017.
Năm 2018, thế giới tiếp tục ghi nhận Marc Franke, "bệnh nhân Düsseldorf". Ông được coi là đã khỏi bệnh, ngừng dùng thuốc kháng virus vào tháng 11 cùng năm.
Paul Edmonds, hay "Bệnh nhân Thành phố Hy vọng", là trường hợp chữa khỏi HIV lớn tuổi nhất tính đến nay. Ông ghép tế bào gốc năm 2019, đã được hóa trị cường độ thấp. Năm 2021, ông ngừng dùng thuốc kháng virus mà không tái phát HIV.
Bệnh nhân thứ 5 sống tại New York, là người đầu tiên có dòng máu lai khỏi HIV. Bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu năm 2017, đã ghép tế bào gốc có bổ sung máu cuống rốn. Điều này giúp bệnh nhân phù hợp với nhiều người hiến tặng hơn.
Bệnh nhân gần đây nhất sống ở Geneva. Ông ngừng điều trị HIV kể từ tháng 11/2021. Các nhà nghiên cứu khá thận trọng về trường hợp này, vì tế bào miễn dịch của ông không có khả năng kháng HIV.