Người trẻ "chữa lành" khiếm khuyết bằng cách đặc biệt

(Baohatinh.vn) - Nhiều người trẻ khuyết tật ở Hà Tĩnh đang nỗ lực “chữa lành” bằng nhiều cách khác nhau để lan toả lối sống tích cực.

Bị cụt mất đôi tay do tai nạn vào năm học lớp 12, anh Nguyễn Doãn Mão (SN 2000, trú thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) từng tự ti, mặc cảm và xa lánh mọi người xung quanh. Thời gian đầu, ngoài chịu những cơn đau, anh còn luôn sợ người khác thấy khiếm khuyết trên cơ thể mình.

k1.jpg
Anh Nguyễn Doãn Mão.

“Sau 2 tháng nằm viện, tôi được đưa về nhà để tiếp tục điều trị. Lúc bấy giờ, mỗi lần nhìn xuống hai cánh tay, tôi lại suy sụp, không thể tin sự thật này. Cũng nhờ gia đình luôn ở bên động viên, sau khoảng 1 năm, tôi đã mạnh dạn đối mặt với hiện thực, tiếp tục cuộc sống ý nghĩa hơn”, anh Mão nhớ lại.

Khi điều trị tại nhà, anh Mão đã tìm đến các trò chơi trực tuyến để giải trí nhằm quên đi sự mất mát của đôi tay. Chỉ sau khoảng 1 tháng, chàng trai đã sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử bằng chân và trò chuyện được với khá nhiều bạn bè trong các trò chơi.

k6.jpg
Thời gian đầu, anh Mão tìm đến các trò chơi trực tuyến để vơi đi nỗi bất hạnh.

Khi trò chuyện cùng các bạn bè online, anh Mão gần như cởi mở hơn sau chuỗi ngày dài mặc cảm. Điều này cũng giúp chàng thanh niên trẻ bén duyên với nghề streamer (người phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) và có nguồn thu nhập ổn định.

“Khi biết tôi chơi game bằng chân thì nhiều người xem khá bất ngờ và đồng cảm, họ động viên và tặng khá nhiều quà cho tôi. Qua đó, vết thương cơ thể cũng như tâm hồn được chữa lành phần nào. Trên không gian mạng, tôi cũng thường xuyên chia sẻ về quá trình vượt lên bi kịch của mình, động viên những người đồng cảnh ngộ”, anh Nguyễn Doãn Mão chia sẻ.

k2.jpg
Phía sau những cố gắng của chàng trai Nguyễn Doãn Mão là sự đồng hành của gia đình.

Từ nghề streamer, anh Mão đã cởi mở hơn, tham gia nhiều sự kiện cộng đồng, buông bỏ được vẻ u uất năm nào. Ngoài ra, anh còn đạt được nút bạc youtube, có đông đảo lượng người hâm mộ trên các nền tảng mạng xã hội nhờ những video hài hước về cuộc sống hàng ngày.

Đến nay, anh đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc streamer trên các nền tảng youtube, tiktok, facebook và hồ cho thuê câu cá dịch vụ cùng một số công việc kinh doanh khác. Nhờ việc lan tỏa lối sống tích cực, nhiều người cùng cảnh ngộ đã xem anh Mão như một thần tượng để có động lực vươn lên trong cuộc sống.

huu1.jpg
Anh Nguyễn Hữu Quốc.

Cũng từng gặp biến cố, song anh Nguyễn Hữu Quốc (SN 1986, quê ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn) đã vượt lên chính bản thân mình, cố gắng trở thành người có ích. Vào đầu năm 2004, anh Quốc phát hiện mình bị viêm đa khớp, do gia đình quá nghèo, không có chi phí chạy chữa nên bệnh tình ngày càng nặng. Chỉ ít tháng sau, tay trái và chân trái của anh đã không cử động được, phải nằm một chỗ.

“Lúc bấy giờ, nhìn các bạn đồng trang lứa đang đi học, đi làm còn mình nằm liệt giường, tôi cảm thấy suy sụp và từng nghĩ đến những điều tồi tệ nhất. Sau hơn 1 năm nằm một chỗ, được gia đình ở bên quan tâm, tôi đã quyết tâm tập đi lại dù còn rất đau”, anh Quốc chia sẻ.

huu3.jpg
Thú vui chăm sóc chim cảnh là liều thuốc "chữa lành" của anh Quốc

Phải mất thêm 3 năm, anh Nguyễn Hữu Quốc mới có thể đi lại bằng nạng rồi đến tập tễnh từng bước. Cũng trong thời gian này, anh lựa chọn chăm sóc những loài chim như: chích choè, chào mào... để lấy làm niềm vui mà quên đi bệnh tật. Với anh, nghe tiếng chim hót véo von đã giúp anh "chữa lành" dần vết thương thể xác, từng bước lấy lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Đến năm 2012, anh mạnh dạn vay vốn để mở cửa hiệu photocopy để tăng thu nhập, giúp bản thân không còn cảm thấy bất lực trước bệnh tật. Thời gian này, dù phải có người nhà hỗ trợ đi lại nhưng anh đã lấy lại được sự tự tin trước mọi người. Đến nay, sau nhiều lần chạy chữa, tay chân của anh Quốc đã phục hồi lại khoảng 80%, giúp anh có thể tự đi lại từng bước một.

huu2.jpg
Anh Nguyễn Hữu Quốc hiện có thể tự đi lại, làm những công việc nhẹ nhàng.

Không chỉ riêng anh Mão, anh Quốc, nhiều người trẻ khuyết tật đang cố gắng từng ngày để vượt lên nghịch cảnh, tìm kiếm niềm vui, đam mê, sống có ích với cuộc đời. Trong đó, nổi bật như: anh Tô Hữu Sỹ - chủ khu vườn Happy Garden (bị cụt 2 tay trong quá trình làm việc tại nước ngoài), nhưng bằng nghị lực sống phi thường, niềm lạc quan, tin yêu cuộc đời mãnh liệt, anh đã vượt lên số phận để viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Hay như em Đỗ Nam Khánh - lớp 12D5, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) bị khiếm thị bẩm sinh, đã mạnh mẽ bước ra khỏi "vùng tối" để giành nhiều giải cao tại các cuộc thi, là 1 trong 21 cá nhân tiêu biểu được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Tĩnh vinh danh điển hình trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024, 1 trong 21 cá nhân tiêu biểu toàn tỉnh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2024...

Hà Tĩnh hiện có hơn 89.000 người khuyết tật. Thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà và kết nối các mạnh thường quân để hỗ trợ, động viên, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.

Với người khuyết tật, họ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm nên rất cần gia đình, những người xung quanh và cộng đồng thấu hiểu, chia sẻ. Đặc biệt, khi tạo được cho người khuyết tật một công việc hay đam mê sẽ giúp chính bản thân họ tự vươn lên, cảm thấy không bị bất lực.

Trong xu thế mới, những người trẻ khuyết tật đang dần loại bỏ tự ti, mặc cảm để lan toả những nghị lực kiên cường, lối sống đẹp... Điều này không những chỉ giúp bản thân những người đó cảm thấy lạc quan mà còn giúp người đồng cảnh ngộ được tiếp thêm nghị lực sống. Người khuyết tật đang ngày cố gắng vươn lên, vì chính bản thân mình và gia đình, xã hội.

ÔngNguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.