Khung cảnh vắng vẻ của trung tâm Nuôi dưỡng chât độc da cam Hà Tĩnh nơi đã được đầu tư lên đến 15 tỷ đồng.
Vẫn những dãy nhà 2 tầng khang trang, vẫn diện tích được ưu tiên, rộng đến 7.334 m2 ở tổ dân phố 16, thị trấn Cẩm Xuyên, vẫn tâm nguyện phục vụ khoảng 19 ngàn nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, nhưng khác trước, ngày ngày Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin đóng cửa im ỉm. Từ cửa nhìn vào, chiếc xe biển xanh 16 chỗ - quà tặng của một vị nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT vẫn ngày này qua ngày khác nằm im trong gara.
Chiếc xe 16 chỗ hầu như quanh năm nằm im trong gara tại trung tâm.
Mở cửa cho chúng tôi vào “tham quan” cơ ngơi, ông Lê Quang Nơ - Giám đốc Trung tâm tính toán: “Toàn bộ chi phí đầu tư vào trung tâm lên đến khoảng 15 tỷ đồng, do nhà hảo tâm tài trợ. 3 dãy nhà do Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Việt - Nhật, Ngân hàng No&PTNT đầu tư”. Với nỗi xót xa, ông dẫn chúng tôi đi thăm 6 phòng máy khám sức khỏe, 8 máy khâu, 6 máy vi tính đang phủ khăn chống bụi.
“Những năm mới thành lập, trung tâm lúc nào cũng đông đúc, gồm cả người xông hơi tẩy độc và người được nuôi dưỡng, phục hồi. Mấy năm nay, mỗi năm chỉ vài đợt nuôi dưỡng, dăm đợt xông hơi tẩy độc”.
Máy khâu phục vụ công tác đào tạo nghề cho nạn nhân chất độc da cam từ lâu không được dùng đến.
Không chỉ giảm về số lượng mà thời gian mỗi đợt còn rút ngắn xuống. Trước đây, mỗi đợt nuôi dưỡng cho nạn nhân thường từ 3 tháng, thì nay chỉ 1 tháng. Vì vậy, theo trao đổi của ông Nơ, mỗi năm trung tâm có khoảng 7 tháng… nghỉ ngơi!
Bày tỏ nỗi băn khoăn, sợ có lỗi với các nhà tài trợ, ông Nơ nói: “Tình trạng này là vì trung tâm không có kinh phí để trang trải. Trước đây, trung tâm được nhiều nhà hảo tâm quan tâm nhưng chủ yếu là công trình cụ thể; thực tình, nếu xin kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên thì gần như không ai để ý. Mong sao, các cấp, ngành có sự quan tâm, nếu không trung tâm sẽ phải giải thể”.
Mặc dù giường ngủ của bệnh nhân được trang bị đầy đủ chăn ga, nhưng lại thiếu vắng người đến nghỉ ngơi, điều trị.
Trao đổi về tình hình trung tâm, ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Tĩnh cho hay: “Từ ngày thành lập, hội vẫn cấp kinh phí duy trì tốt các hoạt động tại trung tâm như nuôi dưỡng, xông hơi tẩy độc, dạy nghề, giúp nạn nhân giảm các độc tố, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, kinh phí cực kỳ khó khăn nên hội chưa có cách gì khác. Thậm chí, hội còn gặp khó khăn khi chi trả thường xuyên mỗi tháng tầm 10 triệu đồng cho cán bộ tại trung tâm (giám đốc, phó giám đốc, bác sĩ, kế toán - P.V), chưa nói đến các hoạt động khác và trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng”.
Theo ông Tiến, các hoạt động tại trung tâm đa phần do huy động xã hội hóa, không trích trả từ ngân sách, vì thế, hoạt động của trung tâm rất bấp bênh. Ngoài ra, do các gia đình nạn nhân hầu hết khó khăn nên khó có kinh phí tham gia xông hơi tẩy độc. Được biết, mỗi đợt xông hơi tẩy độc, nạn nhân bị nhiễm chất độc phải bỏ 50% kinh phí (tức là 3 triệu đồng), còn lại hội phải bỏ thêm 50%.
Thời điểm này, việc sáp nhập các tổ chức hội đang được các cấp bàn bạc, trong khi đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang tiến hành công tác chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới. Bởi vậy, tình thế của trung tâm lại càng khó khăn, nguy cơ giải thể càng cận kề.