Không có đường ngang, hàng ngày cụ bà này và...
nhiều trẻ em đành liều mình băng qua đường sắt để sang nhà người thân
Rất nhiều hộ dân đã tự ý đặt tấm sắt đan hoặc các thanh gỗ vào lòng đường ray để thuận tiện cho việc đi lại. Thế nhưng, được một thời gian, những tấm đan trên bị hư hỏng, những thanh gỗ bị mất làm cho hệ thống mặt đường thấp hơn nhiều so với đường ray. Khi đi qua đây, gầm xe ô tô bị mắc cứng vào đường ray, còn xe máy thì có thể bị mất lái, lao xuống đường ray.
Trong một chuyến công tác vừa qua tại huyện Vũ Quang, chúng tôi đã được chứng kiến chiếc xe ô tô 7 chỗ BKS 38N 3588 chở 7 người, khi đến đoạn đường dân sinh cắt ngang đường sắt tại Km 358+300 (thôn Liên Hòa, xã Đức Liên), không có rào chắn cũng như người gác, thì bất ngờ gầm xe bị mắc vào đường ray. Tài xế hốt hoảng thông báo cho khách xuống xe. Gần 5 phút sau, chiếc xe mới ra khỏi đường ray, đi khoảng 20m thì tàu hỏa lao tới, tất cả hành khách trên xe được phen “hú vía”.
Mặt đường thấp hơn nhiều so với đường ray
khiến các phương tiện qua lại trên đường ngang dân sinh rất khó khăn
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn cả nước, nguyên nhân là do những tuyến đường dân sinh cắt ngang không có rào chắn hay người gác, người dân thiếu quan sát.
Để hạn chế tai nạn về đường sắt, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng có thể thấy hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các công ty quản lý đường sắt với ngành chức năng và chính quyền địa phương ở một số xã, phường, thị trấn chưa tốt nên nhiều việc cần triển khai cấp bách vẫn chưa được thực hiện như: xây dựng hệ thống đường gom, lắp đặt chuông đèn cảnh báo, ba-ri-e tự động, rà soát, phát hiện, xử lý các điểm mở lối đi tự phát.
Nguy cơ tai nạn giao thông dọc tuyến đường sắt chạy qua địa bàn Hà Tĩnh luôn tiềm ẩn. Giải quyết mối nguy cơ này, rất cần sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của chính quyền 3 huyện nói trên, tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.