Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm cho xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc. Sự thất bại của các phong trào đấu tranh yêu nước của Nhân dân ta đã tác động đến nhận thức và quyết định ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920. Ảnh tư liệu
Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã tiếp cận được chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây chính là sự kiện quan trọng tạo ra bước ngoặt trong lập trường chính trị của Người, là khởi đầu cho các hoạt động chuẩn bị cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, Người nhận ra đây là cái cần thiết cho chúng ta, là con đường giải phóng chúng ta. Bằng nhiều hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Người đã lựa chọn những người ưu tú nhất, có tinh thần kiên quyết, cách mạng nhất để tiến hành huấn luyện cho họ về phương pháp và cách thức tổ chức, đấu tranh cách mạng, chuẩn bị đủ điều kiện cho việc thành lập Đảng.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Tranh: Phan Kế An.
Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một đảng cộng sản, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời khẳng định vai trò rất to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đã chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ.
Đặc biệt, về công tác cán bộ, Người đã lựa chọn con người, mở lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng trang bị lý luận cho cán bộ, cử đi học tập nâng cao trình độ, đưa cán bộ vào hoạt động trong thực tiễn và bố trí các vị trí công tác phù hợp với từng người...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu
Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý giá trong công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay:
Thứ nhất, xác định cán bộ là “gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(1).
Thực tế cho thấy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác cán bộ, đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, thường xuyên bồi dưỡng cán bộ vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, lập trường cách mạng vững vàng, xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược, rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong công tác, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống. Thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn công tác chuyên môn. Đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, bố trí, sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ; trong bố trí và sử dụng cán bộ bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý với trình độ chuyên môn, lĩnh vực công tác; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ được rèn luyện, thử thách, trưởng thành và có điều kiện tham gia cấp ủy. Xây dựng kế hoạch và thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy hoạch; xác định số lượng và dự kiến danh sách cán bộ luân chuyển trong cả nhiệm kỳ và từng năm. Đối tượng luân chuyển phải thực sự có năng lực và triển vọng phát triển.
Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển đất nước. Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(2).
Quán triệt sâu sắc những bài học về chuẩn bị cán bộ cho thành lập Đảng của Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những bước phát triển quan trọng trong nhận thức về công tác cán bộ. Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc gắn liền với sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta càng cảm phục tư tưởng, tầm vóc và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt tiến trình cách mạng của đất nước, trong sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt của Đảng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử để lãnh đạo đưa đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh.
---------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T.5, tr.269.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.178-179.