Nỗi lo nhà sập
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp với 6 phòng ở nằm khiêm tốn phía sau Trường THCS Phương Điền (Hương Khê) chính là nhà công vụ cho 2 gia đình và 3 GV dạy học ở trường sinh sống. Mùa nắng, đứng trong phòng có thể nhìn thấy ánh mặt trời le lói xuyên qua mái ngói. Mùa mưa, nước dột tứ tung, khiến các gia đình phải huy động hết xô chậu để hứng nước. Bà Trần Thị Hường - người dân sinh sống ngay cạnh trường kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ trường cho biết: “Dãy nhà này được xây dựng cách đây gần 30 năm cho các thầy, cô giáo ở trường THCS và THPT. Năm 1994, Trường THCS Phương Điền được thành lập với cơ sở vật chất của trường cũ. Trường ở xa trung tâm, GV ngoại huyện nhiều nên nhu cầu nội trú rất lớn”.
Một vết nứt dài trên tường của nhà nội trú Trường Tiểu học Phương Điền.
Trong căn phòng rộng chưa đầy 14 m2, ngập mùi ẩm mốc - nơi sinh hoạt của cả gia đình 4 người, cô giáo Trần Thị Loan - nhân viên hành chính nhà trường, chia sẻ: “Tôi quê ở Vũ Quang, chồng ở Đức Thọ cũng là GV của trường. Chúng tôi lên đây công tác đã lâu nhưng đồng lương eo hẹp nên chưa có nhà riêng. Bất đắc dĩ phải ở nhà công vụ, chứ thấp thỏm lắm. Nhà dột thì dùng áo mưa che tạm, nhưng mỗi khi trời nổi gió là cả khu tập thể lại tay xách nách mang, ôm con chạy lên văn phòng nhà trường trú tạm, bởi sợ nhà sập”.
Nhà xuống cấp, công trình vệ sinh dùng ké của học sinh, gian bếp khoảng 2m2 vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi tắm giặt. Đó là chưa kể phòng còn nằm cạnh bãi rác thải của trường… Sống như thế nên nhiều người gia đình ở xa cũng gắng sức để đi về. Riêng cô Lê Thị Bình ở Đức Thọ ôm con ra thuê hội quán thôn để ở tạm.
Chia sẻ nỗi niềm với GV nội trú, cô Phan Thị Thúy Ngân - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Điền cho biết: “Nhà nội trú hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn cho GV, nhưng nếu không đưa vào sử dụng thì GV không biết ở đâu. Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện nhưng do kinh phí còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng nhà ở cho GV cũng đành gác lại. Không biết đến bao giờ, những GV ở cách xa nơi dạy có nhu cầu về nơi ăn chốn ở mới được giải quyết, để họ yên tâm công tác”.
Thiếu nước sinh hoạt triền miên
Được xem là khu nội trú có nhiều phòng và nhiều GV sinh sống nhất nhưng ở nhà nội trú cho GV ở Trường THCS Hà Linh, bên cạnh nỗi lo vì nhà cửa xuống cấp trầm trọng, điều các thầy, cô giáo mong mỏi nhất vẫn là niềm mơ ước về nguồn nước sinh hoạt. Thầy Nguyễn Văn Linh (Can Lộc) cho biết: “Cả khu tập thể 13 phòng với 20 người lớn bé nhưng chỉ có một cái giếng khoan nên thiếu nước triền miên. Đặc biệt, từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, nguồn nước hầu như cạn kiệt, bơm lên là bùn lắng sệt nên không thể sử dụng”.
Mặc dù đang vào mùa mưa nhưng các thầy cô giáo nội trú tại Trường Tiểu học Hà Linh vẫn phải sống trong tình cảnh thiếu nước
Thông qua sự kêu gọi của nhà trường, thời gian qua, cũng đã có nhà tài trợ ở TP Hồ Chí Minh về thăm dò và hứa hỗ trợ thêm một giếng khoan. Niềm hy vọng của các thầy cô vừa được nhen lên khi thấy đoàn khảo sát và máy móc tập trung về khu tập thể. Thế nhưng, nhiều ngày trôi qua, 3 mũi khoan xuống độ sâu 70m ở nhiều vị trí nhưng nguồn nước vẫn không xuất hiện.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Vào những tháng khan hiếm nước, tội nhất là trẻ con. Những tháng ngày như thế, cả khu tập thể chúng tôi lại dắt díu nhau đi vào thôn xóm, cách xa trường hàng mấy km để xin nước tắm giặt. Nhiều khi đánh răng, rửa mặt cũng chỉ trong một ca nước. Với một số thầy cô có gia đình ở xa, thường thì 2 ngày, họ lại tranh thủ buổi tối về nhà 1 lần để tắm giặt và khi đến cũng kèm theo can nước sạch”. Cô Nguyễn Thị Kim Tuyết quê ở Đức Thọ, góp chuyện: “Khổ lắm các em ạ! Một năm có tới 8 tháng thiếu nước sinh hoạt, nhưng hoàn cảnh GV xa quê, chẳng biết làm sao. Chồng tôi mỗi lần về quê ở Đức Thọ là lại phải kèm theo một can để làm nước uống. Nước tắm giặt cũng phải xin khắp các gia đình trong thôn xóm, bởi hết nước lâu dài nên cũng không thể xin mãi một nhà”.
Nhà ở cho giáo viên Trường Tiểu học Hà Linh bị nứt nẻ, xuống cấp nghiêm trọng
Chuyện nhà công vụ cho GV vẫn luôn là niềm trăn trở cho những người làm công tác giáo dục. Cô Nguyễn Thị Nhung Quyên - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Tĩnh cho biết: “Hệ thống nhà công vụ xuống cấp, thiếu thốn trăm bề, bởi hầu hết được xây dựng đã lâu, trong khi những trường mới xây lại không có nhà công vụ. Nguồn của Nhà nước dành cho hạng mục này không có, nên thời gian qua, dù chúng tôi đã gõ cửa rất nhiều tổ chức, cá nhân nhưng cũng chỉ được ít trăm triệu đồng. Số tiền này so với thực trạng nhà ở cho GV trên địa bàn toàn tỉnh cũng chỉ như muối bỏ biển”.