Ấm áp tình cô trò
Con người muốn tồn tại trước hết phải làm việc, muốn làm việc tốt thì phải học tập. Để tồn tại và phát triển, con người luôn gắn học với làm. Làm là vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn và thực tế sinh động lại bổ sung kiến thức giúp con người tiếp tục học để phát triển… Hồ Chí Minh là một minh chứng cho mục đích “học để làm việc”.
Chuẩn bị cho hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, nhà giáo Nguyễn Tất Thành thấy cần phải học ngoại ngữ để có phương tiện giao tiếp, để có việc làm sống được ở nước ngoài, rồi mới nói đến từ đó có điều kiện hoạt động cách mạng.
Từ một trí thức, một nhà giáo, Người đã học nghề phụ bếp trên tàu Đô đốc L.Tơ-rê-vin. Rồi để sống, để hoạt động cách mạng, Người đã học đủ nghề: Quét tuyết, đốt lò, thợ ảnh, thợ sơn, làm báo; phiên dịch. Chính nhờ có ngoại ngữ phong phú với nhiều thứ tiếng và nhiều nghề, Nguyễn Ái Quốc đã đi đây, đi đó khắp các châu lục, trực tiếp nhìn thấy thực tế, tìm hiểu được tận gốc lý luận và thực tiễn văn hóa cũng như cuộc sống của nhân loại làm giàu cho kiến thức bản thân để tìm kiếm con đường cách mạng.
Mục tiêu thiết thực của việc học đối với Hồ Chí Minh là học để “làm người”. Làm người có nghĩa hẹp, ở phạm vi hẹp là “đối nhân xử thế”, là chân tình, nhân ái giữa con người với nhau.
Người nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Còn làm người đạt đến giá trị cao là hành động làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại khỏi áp bức, nô lệ. Mối quan hệ giữa hai thang bậc này của đạo đức quy tụ cũng là ở học để làm người chân chính, có đủ tri thức văn hóa, tầm trí tuệ và lòng nhân ái để có tầm nhìn và xử lý được từ những việc cụ thể chung quanh mình đến mở rộng ra những vấn đề của dân tộc, của thời đại. Từ đó, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo đề ra mục tiêu và phương thức giải quyết đúng đắn, khoa học thích hợp nhất với dân tộc Việt Nam và hòa nhập vào dòng tiến hóa chung của nhân loại.
Hồ Chí Minh cho rằng, để thực sự là người làm cách mạng thì phải học làm cán bộ. Học để “làm cán bộ” là ở cấp độ con người có thể đảm đương được vai trò trách nhiệm trước cộng đồng, trước xã hội sau khi đã làm được việc làm người đúng ý nghĩa chân chính của nó. Đó là năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức để hướng dẫn nhân dân làm cách mạng, đó là phẩm chất đạo đức “làm công bộc” cho dân, hy sinh quên mình vì sự nghiệp, vượt qua những cám dỗ tầm thường. Điều này phải thường xuyên được bồi đắp bởi quá trình học tập, rèn luyện lâu dài, suốt cả cuộc đời vượt qua mọi thử thách, chông gai để người cán bộ luôn xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
Học để làm cán bộ không chỉ để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà cần phải đạt tới mức độ làm gương cho người khác. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh rất chú ý đến vấn đề học “làm cán bộ”. Từ năm 1927, trong sách “Đường kách mệnh”, Người đã đưa lên chương đầu “Tư cách người kách mệnh”. Trong kháng chiến kiến quốc, năm 1947, trong sách “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu lên 12 điều với nội dung bao hàm những vấn đề mà phẩm chất người cán bộ phải có.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng, coi trọng việc “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người xác định mục đích làm cán bộ không phải “làm quan cách mạng” ức hiếp “đè đầu cưỡi cổ” nhân dân, lợi dụng chức quyền để tham ô, nhũng nhiễu, hành dân, mà phải làm sao để xứng đáng là “người đầy tớ” trung thành của nhân dân.
Cả đời người của Hồ Chí Minh như Người nói “Là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha nơi hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Học “để phụng sự” đó là mục đích cao cả suốt đời, cũng là điều mà Hồ Chí Minh nêu lên cho mọi người.
Học tập và làm theo Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên cần nhận rõ học “để phụng sự” là học để mình làm chủ con người mình, để có đầy đủ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh, phẩm chất với đầy đủ trách nhiệm trước việc quản lý xã hội và quản lí đất nước.
Quan điểm học tập của Hồ Chí Minh là học suốt đời. Năm 1961, khi nói chuyện với đại biểu thanh niên, Người nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Không học thì không theo kịp, mình sẽ lạc hậu. Công việc sẽ gạt lại mình ở phía sau”. Là cả dân tộc, cả xã hội cùng học, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Cho nên sau khi giành được độc lập, nhiệm vụ hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là: “kiến thiết nền giáo dục”.
Ở phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch nêu nhiệm vụ trước mắt là: “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế mà Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ diệt giặc dốt trước giặc ngoại xâm không phải là ngẫu nhiên.
Quan điểm và tấm gương trong mục đích học tập của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã trở thành một di sản quý báu về giáo dục của dân tộc ta, có giá trị rất thiết thực với sự nghiệp giáo dục hiện tại và tương lai. Việc xác định mục đích, động cơ, phương thức học tập đúng đắn cho mọi cấp học, mọi lứa tuổi là việc làm thiết thực của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự nghiệp đổi mới hiện nay.