Ngày 6/7, nhà văn Ma Văn Kháng giao lưu, ra mắt tác phẩm mới tại Hà Nội. Mãi mãi một thời thiếu sinh quân gồm 19 chương, 280 trang, được nhà văn viết trong 28 ngày.
Sách vẽ chân dung thế hệ "măng non cách mạng" của thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), dựa trên những sự kiện có thật trong biên niên của Nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Trường được thành lập tại An Toàn Khu, Thái Nguyên, trong Liên Khu Việt Bắc từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951, đào tạo những thiếu niên đã qua chiến đấu trở thành đội ngũ kế cận cho quân đội. Ma Văn Kháng là một thiếu sinh quân của trường.
Nhà văn Ma Văn Kháng tại buổi ra mắt sách. |
Nhà văn chia sẻ khó khăn lớn nhất khi viết tác phẩm là nhớ lại kỷ niệm và trăn trở viết thế nào cho chân thực, trung thành với chuyện 70 năm trước. Ông mong muốn tái hiện sinh động không khí, màu sắc, hương vị, cảm xúc, tâm lý của thời trẻ. "Thời đó, người ta khát khao cống hiến, chúng tôi chỉ tranh nhau đi bộ đội. Đó là quãng thời gian chúng tôi sống với nhau rất văn hóa, thân thiện, trân trọng và cưu mang nhau", nhà văn Ma Văn Kháng bộc bạch.
Nhà văn chia sẻ những kỷ niệm thời thiếu sinh quân nhiều gian khó nhưng lạc quan. "Thời ấy, chủ yếu là đi dép cao su quai to, đóng đinh vào đế, không có thì đi chân trần. Quần áo rách tự vá lấy. Kim khâu là sợ dây thép mài nhọn, đục lỗ ở đuôi. Chỉ khâu là vỏ cây sắn rừng tước nhỏ se lại". Ông nhớ các tập thể rất hay hát đồng ca và tiếng Pháp là ngôn ngữ thông dụng...
Sách "Mãi mãi một thời thiếu sinh quân" do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. |
Trong tác phẩm, các thiếu sinh quân hiện lên với tính cách khác nhau qua hai nhóm. Nhóm tổ tam tam gồm: Toàn chỉn chu, chững chạc, Khánh thông minh, nhạy cảm, Đoan – nhân vật trung tâm giàu tình cảm, suy tưởng sâu xa. Tác giả xây dựng Đoan "đại diện, phát ngôn cho tư tưởng tâm hồn của lớp thiếu sinh và gánh vác chủ yếu tư tưởng thẩm mỹ của cuốn sách". Nhóm thiếu sinh gồm: Thiết đen, Kim Diểu vua cầu, Lục hạt mít pháo thăng thiên với tính cách nghịch ngợm, năng động, nhiều tài lắm tật. Họ là những thiếu sinh trốn trường ra mặt trận. Những nhân vật khác: chàng Tây lai, con chó Jack, Phìn giám mã... xuất hiện lẻ tẻ nhưng khiến tác phẩm đa màu sắc. Qua tác phẩm, nhà văn truyền tải lời nhắc đến thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, cống hiến, lao động hết mình, sống văn minh.
Nhà văn Ma Văn Kháng tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản: Trăng soi sân nhỏ, Một chiều dông gió, Một mình một ngựa, Mùa lá rụng trong sân... Ông đoạt nhiều giải thưởng lớn: Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012).