Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944. Năm 18 tuổi ông thi đỗ vào khoa Toán ĐH Sư phạm. Tuy nhiên, năm 1965, khi gần tốt nghiệp, ông xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình và trở thành nông trường viên thuộc nông trường Cửu Long, Hòa Bình.
Giữa năm 1966, ông trở về Hà Nội thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Lúc đó, trường sơ tán lên Hà Bắc. Bài Những cô gái quan họ ra đời trong thời kỳ Phó Đức Phương chờ đợi bước vào những giờ học đầu tiên.
Năm 1967, giữa kỳ chống Mỹ ác liệt, bài hát Những cô gái quan họ thấm đẫm một âm hưởng trữ tình của đồng bằng Bắc Bộ đã vang lên như một dòng suối mát lành chảy qua một khu đồi trơ đá sỏi.
Đam mê văn học, hội họa, thơ ca, lịch sử, với những thành công qua 20 năm làm việc, nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác nhiều khúc ca khúc trữ tình, âm hưởng dân ca: Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Mộng mị Sapa, Biển mũi, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Về quê, Vũ khúc con cò...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Phó Đức Phương là nhạc sĩ luôn tìm tòi, khai thác những tinh hoa trong âm nhạc dân gian của từng vùng, miền để đưa vào tác phẩm.
Ông còn viết nhạc cho hàng chục bộ phim: Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố... và nhiều vở sân khấu như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời, Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và con gái thăm Ngôi nhà Nghệ thuật Tân Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy
Khán giả yêu thích các tác phẩm của ông thuộc mọi thế hệ, lứa tuổi, mọi tầng lớp, vì chúng không chỉ mang giai điệu đẹp, lời ca hay mà còn những ý nghĩa gắn liền với thời cuộc của đất nước.
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân.
Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc.
Theo Hoài Ngọc/TT&VH