Nhân lên những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám

(Baohatinh.vn) - 73 năm đã trôi qua nhưng những giá trị và bài học to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì vẫn còn nguyên vẹn. Một cuộc cách mạng “long trời lở đất” đã mang đến những đổi thay cho cả dân tộc và cho mỗi cuộc đời.

Nhân lên những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tuyên bố với thế giới về quyền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Hơn 80 năm nô lệ dưới ách thực dân, phong kiến, những người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chớp thời cơ, đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Nhà nước dân chủ ra đời, quyền làm chủ của người dân được xác lập. Lần đầu tiên, một nước nhỏ và yếu ở Đông Nam Á đã tự hào tuyên bố với thế giới về quyền độc lập của mình. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay dưới nắng Ba Đình, trên lễ đài. Và tiếng Bác Hồ trầm ấm, dõng dạc vang lên: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập(*) “Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” đã bị đẩy lùi. Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mang lại niềm vui sướng vô bờ cho hàng triệu trẻ em.

Khi lịch sử càng lùi xa thì chúng ta càng có điều kiện để nhìn nhận lại những sự kiện lịch sử vĩ đại. Cách mạng tháng Tám là điểm tựa cho mọi chiến thắng. Từ Cách mạng tháng Tám, mỗi người dân, không kể già trẻ trai gái, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo... đều xác định cho mình nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả phải bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững quyền tự do, độc lập ấy (*). Hàng vạn người đại diện cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã hô vang lời thề độc lập. Đó là mệnh lệnh của trái tim, đó là khát khao được cống hiến. Hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ là minh chứng hùng hồn cho điều đó. Dẫu phải trải qua bao mất mát, hy sinh nhưng điều mà hơn 4 thập kỷ qua chúng ta có được là giang sơn thu về một mối, đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù.

Nhân lên những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn (19/8/1945)

Cách mạng tháng Tám là khởi nguồn cho mọi hạnh phúc. Dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từ đói rách, bần cùng trở thành no ấm, văn minh. Những làng quê Việt Nam xưa tối tăm mù mịt, thì nay rộn ràng lời ca, tiếng hát. Những con đường bê tông, trải nhựa đã thay cho những con đường lầy lội, in dấu chân trâu. Từ miền xuôi đến miền ngược, đồng bằng đến hải đảo, màu trời xanh hòa bình hòa cùng màu xanh hoa trái và sắc đỏ cờ Tổ quốc. Bộ mặt quê hương đổi thay từng ngày. Nhà nhà khang trang, đẹp mắt. Cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Nhân lên những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Tám

Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công

Cách mạng tháng Tám để lại bài học to lớn về đón bắt thời cơ và tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân. Nắm bắt tình thế địch - ta trong nước, trên thế giới, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào ngày 13/8 dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta khởi nghĩa giành độc lập đã tới” và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. 23h ngày 13/8, Ủy ban Khởi nghĩa thành lập và ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào thông qua Lệnh khởi nghĩa. Chỉ trong vòng 15 ngày, khắp nơi trên mọi miền đất nước, Việt Minh đã giành được chính quyền. Như nước vỡ bờ, sức dân đã được đẩy lên thành cuộc cách mạng. Chính quyền đã về tay nhân dân mà không phải chịu tổn thất, hy sinh.

Hiện nay, toàn dân ta đang ra sức thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng. Cơ hội nhiều, song thách thức cũng không ít. Bài học từ Cách mạng tháng Tám đã và sẽ giúp chúng ta đón bắt thời cơ, vượt qua thách thức, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới (**) như mong ước cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa.

(*) Trích “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(**) Trích Di chúc của Bác Hồ được công bố năm 1969 Hà Tĩnh.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm