Với sự “kiên quyết, kiên trì” của toàn Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, cộng với sự đồng thuận của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới.
Từ ngày thành lập (3/2/1930) đến nay, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, nhờ vậy, Đảng đã hoàn thành được sứ mệnh lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, kháng chiến thắng lợi, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (1986), công tác xây dựng Đảng càng được đặc biệt chú trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ VI đã nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một Đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng nước ta”.
Từ đó đến các kỳ đại hội sau này, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới và tình hình thực tế, Đảng ta chủ trương tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Trong đó chú trọng các vấn đề: tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị và tư tưởng trong toàn Đảng; tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; đổi mới công tác cán bộ; đổi mới tư duy, nâng cao tính khoa học của công tác tổ chức, tiếp tục chấn chỉnh cơ sở Đảng, nâng cao sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên…
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”. Điều đó cho thấy Đảng ta đã quyết tâm rất cao trong thực hiện Nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền. Nâng cao chất lượng và hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng…
Suốt 86 năm hình thành và phát triển, tùy tình hình và nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ mà Đảng dùng các khái niệm: xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn, củng cố Đảng, tạo bước chuyển biến quan trọng… một lĩnh vực nào đó trong công tác xây dựng Đảng. Tất cả các khái niệm đó đều thuộc phạm trù xây dựng Đảng. Đổi mới cốt nhằm xây dựng Đảng thêm vững mạnh; có đổi mới thì mới xây dựng được Đảng vững mạnh, mới nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm đòi hỏi của công cuộc đổi mới. Viết thêm từ “chỉnh đốn” (trong các mệnh đề “đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”) là muốn nhấn mạnh tính cấp bách, yêu cầu cao và nghiêm khắc hơn của công tác xây dựng Đảng, nhằm đáp ứng tình hình mới và nhất là khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã đến mức nghiêm trọng của Đảng; nếu không gấp rút và kiên quyết chấn chỉnh thì sức mạnh và uy tín của Đảng sẽ bị suy giảm.
Vào thời điểm hiện nay, xây dựng Đảng đòi hỏi phải chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn Đảng là nội dung cơ bản của xây dựng Đảng. Phải tiến hành chỉnh đốn Đảng trước hết về tư tưởng, tổ chức cán bộ, phương thức lãnh đạo… tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến” ,“tự chuyển hóa” trong nội bộ.