Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy được viết theo thể thơ tứ tuyệt nhưng tuyệt đối không giống thơ Đường, Tống của Trung Quốc. Mặt khác, đây là tác phẩm duy nhất thể hiện bức chân dung tự họa trung thực và sâu sắc nhất của Người.
Tại Hội thảo kỉ niệm 70 năm “Nhật kí trong tù” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đều khẳng định giá trị của một tập thơ “ngẫu nhiên mà hái lượm được trong một hoàn cảnh đặc biệt” nhưng độc đáo của nhân cách lớn Hồ Chí Minh.
Bìa "Nhật kí trong tù" (ảnh tư liệu) |
Giáo sư Phương Lựu, nhà lý luận phê bình văn học đã đưa ra bằng chứng, tuy được viết bằng chữ Hán nhưng "Nhật ký trong tù" của Bác rất khác với thơ Đường. Trước hết, nét riêng ấy có được là do từ ngữ được sử dụng theo chiều hướng phổ thông hóa, đại chúng hóa. Bên cạnh vốn từ vựng cổ được vận dụng, Bác còn đưa vào nhiều từ ngữ bạch thoại - khẩu ngữ.
“Ngôn từ của Bác không phải là ngôn từ cổ điển. Thể loại thơ của Bác cũng 4 câu nhưng nó là tứ tuyệt tự sự - ghi nhật kí, kể chuyện. Đó là điều rất khác thơ Đường. Thơ Đường hay so sánh, đối thanh, đối ý nhưng thơ của Bác không chủ về đối. Những việc làm của Bác rất nhỏ nhưng có nhiều việc nhỏ của Bác cũng có ý nghĩa lớn. Điều đó khẳng định Bác của chúng ta rất trân trọng, yêu quý văn hóa Trung Quốc và ra sức học tập nó nhưng không bao giờ rập khuôn.” - Giáo sư Phương Lựu phân tích.
Giáo sư Phương Lựu khẳng định, cống hiến lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt thể loại văn học trong “Nhật kí trong tù” là sáng tạo ra thể thơ tứ tuyệt tự sự. Hiển nhiên thơ Đường có nhiều bài mang tính chất tự sự như: “Tam tại”, “Tam biệt” của Đỗ Phủ; “Trường hận ca”, “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị… nhưng không phải là thơ tứ tuyệt.
Thơ Đường luật, nhất là tứ tuyệt, thì tuyệt đại bộ phận là thơ trữ tình, tả cảnh hoặc kết hợp cả hai. Ngược lại, thơ tứ tuyệt trong “Nhật kí trong tù” tuy có những bài trữ tình nhưng lại có tính chất “nhật kí” với nhiều chi tiết đời thường, ví dụ như bài: “Chia nước”, “ Viết hộ báo cáo cho các bạn tù”, “Lên xe lửa đi Lai Tân”, “Cuộc sống trong tù”…
Bác Hồ làm thơ để giải khuây, không giống với các thi sĩ làm thơ (ảnh tư liệu minh họa) |
“Nhật kí trong tù” vốn là một tập thơ chứa đựng nhiều bất ngờ, thú vị. Tính chất nôm na trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh lại biểu hiện một con người gần gũi, đời thường. Đằng sau cái đời thường, tâm hồn đồng cảm ấy là một nhân cách lớn, một ý chí và khát vọng tự do. Mặc dù, cách làm thơ trong tù của Người là để giải khuây, không giống với các thi sĩ làm thơ.
Ở đây, người tù làm thơ để mong thời gian trôi nhanh hơn, vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do. Bác làm thơ không giống như những nhà thơ khác, ba năm mới được một chữ, mà phải làm nhanh để kịp ghi sự kiện. Theo giáo sư Hà Minh Đức, tập thơ dày dặn về số lượng nhưng nội dung tư tưởng còn vượt tầm hơn thế.
“Làm thơ theo cách của Bác là để bộc lộ tấm lòng, tình cảm của mình. Điều này đối với nhiều chính khách là muốn che đậy. Nhưng đây thực sự là tâm huyết, là tình cảm rất chân thật. 70 năm trôi qua rồi - thời gian ấy là khá dài để người ta có thể lãng quên sau 5, 10 năm với một tác phẩm.
Nhưng 70 năm, giá trị của “Nhật kí trong tù” rất bền vững. “Nhật kí trong tù” có nhiều bài thơ hay, nói bài nào hay nhất thì thật là khó. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nói là có khoảng trên dưới 30 bài hay. Tỷ lệ đó đối với hơn 100 bài thơ như thế phải nói là rất cao” - giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ.
Chính vì là nhật kí mà chúng ta thấy trực diện hơn so với một tác phẩm hư cấu, lối sống, phép ứng xử thường ngày của Hồ Chí Minh, đặc biệt là phép ứng xử trong tình thế ngặt nghèo của một người tù. Đó là việc tận dụng thời gian (từ tháng 8/1942 - 9/1943) để cho ra đời tập thơ với 133 bài, bộc lộ một tâm thế, triết lý sống thiết thực, sâu sắc.
Đó là tư thế ngắm trăng, mối tương quan giữa vị trí và ý chí: Thân trong lao, tinh thần ngoài lao. Đó là việc giành thế chủ động nhưng không sa vào thắng lợi tinh thần. Ví dụ như những câu thơ trong bài “Lộ thi”- “Trên đường”: “Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng/ Mê say ai cấm ta đừng…”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Thật ra Bác viết rất hồn nhiên. Tôi thấy những nhà thơ giỏi, có gì trong đời họ sống là đưa luôn vào thơ. “Đã lâu không làm bài thơ nào/Nay lại thử làm xem ra sao/ Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy/Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao”- nói trạng kiểu Nghệ An rất rõ. Trong “Nhật kí trong tù”, tính chất nhật kí tạo nên sự hồn nhiên. Mà cái hay là trong sự hồn nhiên vẫn thấy cái lớn lao. Trong bài “Gãi ghẻ”- ở bẩn trong tù thì phải gãi ghẻ chứ sao. “Một ngày nửa chậu nước nhà pha/Rửa mặt pha trà tự ý ta”. Nói là tự ý thôi chứ muốn pha trà thì đừng rửa mặt, muốn rửa mặt thì chớ pha trà”.
Bằng chi tiết đời thực trong hoàn cảnh lao tù, bằng ngôn ngữ đời thường, nôm na nhưng “Nhật kí trong tù” luôn được coi là “áng văn mẫu mực về sự kết hợp giữa lý tưởng và hiện thực, giữa hiện thực với trữ tình và châm biếm, nhiều tầng, nhiều lớp để nhận thức xã hội”.
Bên cạnh đó, sự sáng tạo trong thi pháp cũng chứng minh sự độc đáo, riêng biệt của “Nhật kí trong tù”, phủ định có ý kiến cho rằng tập thơ của Bác bắt chước thơ Đường của một số học giả nước ngoài. Với giá trị to lớn đó ngày 1/10/2012, tác phẩm “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo quyết định số 1426 của Thủ tướng Chính phủ./.