Kinh doanh kính thuốc là ngành nghề có điều kiện. Bên cạnh đó, để hỗ trợ công tác khám và điều trị bệnh về mắt cần sự hỗ trợ của các trang thiết bị kỹ thuật, trong đó có phương tiện đo tiêu cự kính mắt, phương tiện đo độ khúc xạ mắt và thấu kính đo thị lực. Các phương tiện đo này được sử dụng để chẩn đoán và điều trị bệnh về mắt.
Tuy nhiên, nếu phương tiện đo không đảm bảo quy định về đo lường sẽ dẫn đến việc chẩn đoán không chính xác, làm ảnh hưởng đến thị lực và chất lượng sống của con người. Vì vậy, các phương tiện đo bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về đo lường và phải thực hiện kiểm định theo đúng quy định trước khi đưa vào sử dụng.
Để hoạt động kinh doanh kính thuốc đi vào nền nếp, thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, Sở KH&CN Hà Tĩnh đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về đo lường trong sử dụng phương tiện đo phục vụ kinh doanh kính thuốc và khám chữa bệnh về mắt, qua đó chủ động ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Anh Bùi Mạnh Linh – người dân xã Thượng Lộc, Can Lộc chia sẻ: "Là khách hàng, chúng tôi không có năng lực để đánh giá chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, mắt rất quan trọng, việc sử dụng kính thuốc không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra để đảm bảo người dân mua được kính an toàn, chính xác."
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có hơn 50 tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo tiêu cự kính mắt, đo độ khúc xạ mắt và thấu kính đo thị lực. Đáng nói, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở chưa chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường đối với các phương tiện đo như: sử dụng phương tiện đo quá hạn kiểm định định kỳ, thậm chí có những cơ sở không thực hiện kiểm định theo quy định.
Đơn cử như tại cơ sở kinh doanh kính mắt Ngọc Thành (TP Hà Tĩnh). Dù đã hoạt động lâu năm nhưng việc kiểm định các thiết bị đo tại cơ sở này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Khi đoàn liên ngành đến kiểm tra các thiết bị đo thì chủ cơ sở đã không xuất trình đủ các loại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.
Chị Phạm Thị Sinh - chủ cửa hàng kính thuốc Ngọc Thành cho hay: "Thực tế chúng tôi đã có thực hiện công tác kiểm định, tuy nhiên do một số nguyên nhân khách quan nên cơ sở chậm kiểm định với thời gian gần 6 tháng. Cơ sở sẽ rút kinh nghiệm và triển khai kiểm định đúng quy định. Khó khăn nhất là hiện nay tại Hà Tĩnh chưa có đơn vị thực hiện kiểm định, cơ sở phải thuê đơn vị từ các thành phố lớn nên phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kiểm định".
Ông Nguyễn Xuân Kiên - Chánh Thanh tra Sở KH&CN cho biết: Tháng 4/2024, đoàn của Sở KH&CN đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong quản lý, sử dụng phương tiện đo nhóm 2 tại 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ kính thuốc và khám chữa bệnh về mắt trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở sử dụng phương tiện đo nhóm 2 không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận) theo quy định, với tổng số tiền hơn 14 triệu đồng.
Đồng thời, buộc kiểm định lại các phương tiện đo trước khi tiếp tục sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.
Phương tiện đo tiêu cự kính mắt, đo độ khúc xạ mắt và thấu kính đo thị lực là phương tiện đo lường nhóm 2 được quy định tại Thông tư 07/2019/TT- BKHCN do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành ngày 26/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 23/2013. Theo đó, 2 loại phương tiện đo trên bắt buộc phải được kiểm định và dán tem trước khi đưa vào sử dụng theo định kỳ 12 tháng.